Tìm thấy ở nơi tưởng như… quên lãng
Ít ai biết rằng, những tấm mộc bản ấy được tìm thấy ở nhiều góc kệ tủ của nhiều không gian khác nhau từ các ngôi cổ tự, cho đến các tư gia. Sau rất nhiều năm cất công tìm tòi, nghiên cứu, hàng trăm tấm mộc bản độc đáo, không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn có giá trị kỹ, mỹ thuật đã được các thầy ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, lần đầu công bố đến công chúng.
Trong không gian trưng bày ở Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ trực thuộc Học viện, đặt tại số 109 Minh Mạng, TP Huế, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng tận mắt nhìn thấy những tấm mộc bản. Dù trải qua hàng trăm năm nhưng những mảnh gỗ vô cùng quý hiếm, chuyển tải được từng giai đoạn lịch sử, văn hóa của Phật giáo Huế vẫn còn nguyên vẹn với kho tàng tri thức ẩn hiện bên trong đó.
Thượng tọa Thích Không Nhiên, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cho biết, đến thời điểm này đã sưu tầm được 828 tấm với 1.319 mặt khắc. Hầu hết trong số đó được sưu tầm từ các tổ đình và cổ tự danh tiếng Phật giáo xứ Huế. Đây được xem là kho mộc bản đa chủng loại, gồm kinh, luật, luận, trước tác, phái điệp quy y - thế độ, tranh đồ họa cổ, tích hợp đa niên đại ván khắc... với tuổi đời của mộc bản trải dài từ cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX. Trong đó, ván khắc Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh có niên đại năm Chính Hòa thứ 19 (1698) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, có niên đại xưa nhất của Phật giáo xứ Huế và miền trung được tìm thấy tính đến thời điểm hiện tại.
Trải qua hàng trăm năm nhưng những hoa văn, chữ nổi trên ván gỗ vẫn còn rất sắc nét. Không chỉ có văn tự, người xưa rất tài hoa khi chạm, khắc lên những ván gỗ nhiều hình ảnh, họa tiết tinh xảo. Vì thế, mộc bản Phật giáo Huế là một di sản tư liệu có giá trị không chỉ đối với Phật giáo mà còn là phần không thể tách rời trong dòng chảy văn hóa dân tộc, liên quan đến văn hóa học, sử học, ngôn ngữ học của xứ Đàng Trong, của Huế qua các thời kỳ lịch sử.
Quy tụ và lan tỏa dấu ấn văn hóa
Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa khi tiếp xúc với không gian này đã tỏ ra bất ngờ và khẳng định đây là di sản đồ sộ và đáng tự hào. Nhà nghiên cứu Huế Phạm Đức Thành Dũng khẳng định, với một di sản mộc bản Phật giáo Huế hiện có, trong tương lai có thể xây dựng hồ sơ công nhận di sản tư liệu thế giới. “Mộc bản Phật giáo Huế hoàn toàn xứng đáng!”, ông Dũng đánh giá.
Vì thế, theo các chuyên gia, ngoài việc sưu tầm thêm cần phải có phương án bảo quản, gìn giữ một cách khoa học, tốt nhất có thể. Thượng tọa Thích Không Nhiên nói rằng, đã tính toán khá kỹ trước khi đưa ra trưng bày. Tất cả cơ bản bảo đảm đúng chuẩn, từ không gian thoáng rộng, được lắp đặt hệ thống điều hòa cho đến việc chống mối mọt cũng như hệ thống cảnh báo phòng cháy chữa cháy.
Với việc trưng bày, giới thiệu đến công chúng, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Hòa thượng Thích Hải Ấn nói rằng, không gian mộc bản nói riêng và Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ nói chung sẽ là nơi nối kết các thành phần học giới, các trường Phật học, các trung tâm giáo dục, văn hóa, lưu trữ và thư viện ở trong nước cũng như khu vực, thông qua các hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật, tọa đàm, hội thảo, triển lãm. Từ đó, giới thiệu những giá trị di sản - tư liệu văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa Phật giáo Huế.
Theo Thượng tọa Thích Không Nhiên, trong tương lai gần, trung tâm sẽ tiếp tục thành lập các phòng lưu trữ Pháp tượng - Pháp khí, điển tích cổ Phật giáo, tư liệu số hóa, chuyển toàn bộ tư liệu số hóa suốt 10 năm qua của tập san Liễu Quán sưu khảo về lưu trữ.
Không dừng lại ở không gian mộc bản, cạnh đó còn có không gian lưu trữ thư viện gia đình. Nơi này có hàng nghìn đầu sách chuyên khảo Phật học, triết học, văn học và các ngành xã hội nhân văn trước năm 1975 do các gia đình Phật tử phát tâm hiến tặng. Ngoài ra, còn có nhiều tư liệu ghi âm Phật giáo Huế gồm bốn phương diện: Sự kiện Phật giáo, Thuyết giảng, Tụng kinh bái sám và Âm nhạc Phật giáo.