1/ Mỗi buổi sớm mai ngồi độc ẩm trong căn nhà cũ kỹ, tôi hay nhẩm đọc câu thơ đối của cụ Tú Hải trong truyện ngắn “Những chiếc ấm đất” của nhà văn Nguyễn Tuân: “Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu/Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai”.
Thực tình, tôi ít hiểu nghĩa lý sâu sắc trong cái câu đối ấy. Chỉ tạm thấy trong thơ những chân dung người phong vận hào hoa, phong lưu tài tử sống một đời như tiên. Lại thấy đấy cả những hình bóng vô thường “trồng cỏ, vãi hoa” nhàn tản pha trà đón nắng mai.
Dù chỉ hiểu được cái vỏ ngoài của câu đối hay, nhưng tự tâm lại thấy trong ấy một triết lý sâu sắc lắm. Sống một đời người, biết thụ hưởng, lấy cái nhàn tản dưỡng thân, dưỡng thần thì người trần cũng hóa tiên.
2/ Cứ mỗi đận cận Tết, tôi có dịp được ngồi với thư pháp gia - TS Cung Khắc Lược. Một già, một trẻ đối ẩm trong hiệu trà của cụ Trường Xuân gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ông già Lược có dáng hình lão tiên râu dài tóc bạc, có khi đang trầm lắng chén trà bỗng nảy ra một sáng ý nào đó thì phất tay nghiên bút, đưa một đường mực trên giấy thắm. Độc một chữ “Không” bằng Hán văn. Đường nét huyền diệu, thanh thoát, chữ vuông vức mà uyển chuyển, rắn rỏi lại mềm mại. Ông già Lược hài lòng, vuốt râu mỉm cười gật gù tự thưởng cho mình một chén trà sen.
Ông già Lược kể rằng, đời ông đã may mắn được thưởng đủ mọi loại trà. Từ Mao trà, Trảm mã đến Long Tỉnh... Ngon thì đúng thực là ngon, nhưng dưỡng thần không gì bằng sen trà Hồ Tây. Cái thơm mùi và cái thanh vị như làm người ta bừng tỉnh giấc mộng, đi vào cõi mơ tiên hư hư thực thực. “Tôi nhớ cụ thân sinh, ngày xưa cũng mê sen trà này lắm! Nghe nói, từ quê ra phải mang theo vàng ròng để mua trà. Vàng nặng bao nhiêu, trà nặng bấy nhiêu. Bởi thế mà các cụ không dám pha lãng phí. Chỉ những khách quý, những người đồng thanh khí mới được thưởng thức”, ông Lược cho biết. Thế mới ngẫm trà Việt mình vi diệu biết nhường nào. Trảm mã, Mao trà… đã quý, sen trà Hồ Tây cũng đâu kém gì.
Trà vốn không tải đạo, chỉ có trà nhân mới làm nên trà đạo.
3/ Ở xứ ta, nhiều người cứ nhất nhất bảo trà sen đầy rẫy. Ừ thì nhiều thực, nhưng có thật chất là trà sen không. Những người hiểu sen đều biết sen Tây Hồ thơm hơn sen nơi khác như thế nào. Không chỉ vậy, dường như sen Tây Hồ đã mang trong mình thân phận “tải đạo” lưu giữ tinh túy đất trời Thăng Long. Nên cũng là sen đấy, nhưng mùi lẫn vị cứ khác biệt lạ lùng.
Ở đất Tây Hồ, tôi hay qua lại với ông Vũ Hoa Thảo, người ướp trà sen nổi tiếng vùng Quảng An. Mỗi sáng, ông Thảo phải dậy từ sáng sớm, khi bông sen chưa hé nở. Ông tách thật mau những hạt gạo sen bé tí xíu ra rồi nâng niu chúng trong hộp giấy bạc, như thể chúng quý lắm! Ông Thảo đã đi nhiều nơi, xem đủ cách ướp trà, nhưng rút lại ông bảo: “Không đâu ướp trà kỳ công như Tây Hồ”. Ngoài bí quyết không để hương thơm bay mất thì khâu “vào hương” mới là quyết định cho trà. Trước khi “vào hương”, trà phải được ướp cánh hoa sen để giữ ẩm và loại tạp mùi.
Cứ một lớp trà lại rắc một lớp gạo sen rải đều. Ba ngày một lần, lớp gạo sen được sàng ra, bỏ đi và thay bằng một lượt gạo sen mới. Giữa những lần sàng lọc ấy, phải sấy trà bằng hơi nước để cho hương sen ngấm sâu bên trong. “Một mẻ trà sen phải qua bảy lần ướp, mất 21 ngày. Cứ mỗi ấm trà sen ướp kiểu này mất 15 bông. Một cân trà tốn 1.500 bông sen”, ông Thảo nhẩm tính.
Còn một cách ướp nữa nhưng là không chính thống, đó là cho trà ngon vào bông sen, gói lại ướp trong tủ lạnh. Cách ướp này, tuy không quá kỳ công nhưng nếu biết cách pha, thì mùi vị cũng không ai chê được. Người đương yếu hay buồn bực trong lòng, được một chén trà thì như khỏe lại, bực dọc tan biến hết.
“Trước đây, người Quảng An bán trà sen Tây Hồ với giá 10 triệu đồng/kg mà vẫn không đủ để bán. Bây giờ thì… nước hồ ô nhiễm nhiều quá...”, ông Vũ Hoa Thảo trầm ngâm.