Đắp "cột trụ" phòng, chống thiên tai

Tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp, cũng như sớm xây dựng nghị định thi hành Luật Phòng thủ dân sự… là những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xây dựng khoảng 20 km đê kiểu mẫu vừa làm đẹp cảnh quan vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. Ảnh: Công Luật/TTXVN
Trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xây dựng khoảng 20 km đê kiểu mẫu vừa làm đẹp cảnh quan vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. Ảnh: Công Luật/TTXVN

TỪ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước, như rét đậm, rét hại tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường tại Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước… Thiên tai đã làm 14 người thiệt mạng, mất tích; thiệt hại vật chất ước tính hơn 399 tỷ đồng.

Những năm qua, đã có nhiều giải pháp tạo sự điều chỉnh kịp thời, góp phần giảm tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề trong công tác phòng, chống thiên tai, như một số quy định pháp luật còn có sự chồng chéo, hoặc có những quy định đã ban hành cách đây đã 15 năm…

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, thời gian qua Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ, rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ huy các cấp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, với điểm nhấn là Quốc hội đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15. Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự đang được hoàn thiện và Luật Tình trạng khẩn cấp đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2024; đã trình Nghị định sửa đổi Nghị định 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai. Ở cấp trung ương đã hoàn thành và triển khai các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, đề án liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030 và định hướng xa hơn.

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, dự báo có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam trong năm nay. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Để chủ động ứng phó, tại Hội nghị về công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp theo Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Lực lượng vũ trang được đưa lên hàng đầu trong hoạt động ứng phó thiên tai và các tình huống xấu. Công tác hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai cần được tiếp tục thực hiện, tạo hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động trong thực tiễn.

Cùng đó, theo các chuyên gia, là nâng cao năng lực, hành động sớm trong phòng, chống thiên tai, với ba "trụ cột": Đó là thông tin, công tác dự báo, cảnh báo càng chính xác; cần có nguồn kinh phí chủ động; công tác kế hoạch cần được chuyên môn hóa, quy trình hóa với những hình thái thiên tai mang tính thường kỳ.

Điều quan trọng là cơ quan chức năng, người dân cần tuân thủ thực hiện các quy định, pháp luật về phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.