Dáng núi

Mỗi lần về thăm mảnh đất Yên Thế là tôi lại được thắp hương trước tượng đài cụ Hoàng Hoa Thám, lòng tưởng nhớ tới cuộc khởi nghĩa oanh liệt một thời. Bàn tay tôi chạm vào bức tường thành chiến lũy đồn Phồn Xương, chạm vào quá khứ, nghe ký ức dâng trào.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.
Tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Những viên sỏi, những viên sỏi trụi trần, những viên sỏi gầy guộc ấy biết xé mình thành hào, biết bá vai nhau thành tường thành lũy. Những viên sỏi hoang sơ một thời mà ngăn tầm đại bác. Sỏi có lúc reo vui chiến thắng và cũng có lúc đượm buồn khi thấm máu những nghĩa quân. Sỏi hát lên bài ca về đất, bài ca về những người lính áo nâu hiền lành như sỏi sinh ra từ đất, lớn lên từ đất mà hào hùng đêm hội miên man, sóng sánh ánh trăng Phồn Xương, đêm tạc vào đất trời lời thề giết giặc, một viên sỏi con cũng không để vào tay kẻ khác.

Về Yên Thế, tôi đến bên cụ lim nghìn năm tuổi ở xã Xuân Lương mà nghe “cụ” kể chuyện đời mình. Chạm vào thân cây, lắng nghe sóng gió bão bùng, lắng nghe nắng mưa thời gian chuyển động âm thầm trong từng thớ gỗ. Trăm năm, nghìn năm đời cây đã trôi qua, bao mùa lá xanh rồi lá vàng lá rụng, cả đời lá ngẩng mặt mà chắt chiu sự sống nuôi cây rồi già cỗi biết rụng xuống cho non tơ vươn lên, lá kết thành rừng, rừng ngăn bước chân giặc, rừng chở che cho những người lính áo nâu Yên Thế, vẳng nơi đây tiếng quân reo thắng trận, đêm trăng sáng tiếng mài gươm, thâu đêm bàn bạc việc quân.

Về Yên Thế mà nghe những tên đất, tên người lừng lẫy chiến công, những đồn Phồn Xương, Đền Thề, đồn Hố Chuối, những đồn Hom, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai là 9 trong tổng số 23 điểm di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Từ năm 2022 đến nay, chùa Thông, đền Thề, động Thiên Thai, đình Dĩnh Thép sửa chữa, tôn tạo kịp cho lễ hội kỷ niệm 140 năm cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế tổ chức vào 15/3 dương lịch tại đại bản doanh Phồn Xương của nghĩa quân Yên Thế năm xưa. Tại đây có các nghi lễ trọng thể, trang nghiêm và linh thiêng như lễ tế, dâng hương, phóng ngư, thả điểu cùng hàng chục các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao khác.

Khát khao tự do như cánh chim trời không chịu trong lồng, cách chim cưỡi mây cưỡi gió vượt trùng khơi mà hót ca. Khát khao tự do như cá không chịu trong chậu mà vùng vẫy nơi hồ ao sông ngòi nơi biển rộng như ngày xưa thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám cũng thường tổ chức lễ phóng ngư, phóng điểu ở đại bản doanh đồn Phồn Xương.

Về Yên Thế say trong câu hát sình ca, hát ru của dân tộc Cao Lan, hát then, hát lượn của người Tày; hát sli của người Nùng để nhớ lại hơn một thế kỷ về trước những trai Cầu Vồng Yên Thế, những gái Nội Duệ Cầu Lim, những nghĩa quân Yên Thế buông tay súng bước vào hội hè, tâm hồn trong trẻo như nước suối nguồn mà vững vàng như cây lim, cây sến trong rừng.

Về Yên Thế hôm nay là thấy bóng người xưa oai hùng lặn vào đất, ẩn vào cây, tạc vào dáng núi.