Đàn đá Khánh Sơn - Tiếng nghìn xưa vang vọng

Bộ đàn đá Khánh Sơn đã lưu lạc xa quê hương gần 44 năm, làm khắc khoải bao người Khánh Hòa khi nhớ đến. Nay cuộc chờ đón bảo vật này đang được thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Phương Đông chế tác đàn đá mới. Ảnh: ĐÌNH LÂM
Nhạc sĩ Phương Đông chế tác đàn đá mới. Ảnh: ĐÌNH LÂM

Lưu lạc gần nửa thế kỷ…

Năm 1979, giới khảo cổ và nghệ thuật sửng sốt và vui mừng khi tỉnh Phú Khánh (Khánh Hòa và Phú Yên ngày nay) công bố “Bộ đàn đá Khánh Sơn”. Hai bộ đàn đá này do gia đình ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn chôn giấu ở khu vực núi Dốc Gạo (xã Trung Hạp) suốt mấy chục năm rồi giao lại cho địa phương. Ông Bo Bo Ren còn hướng dẫn tìm kiếm thêm để đủ 12 thanh đá cho hai bộ đàn. Đó là những “thanh đá kêu” có niên đại hàng nghìn năm do người xưa chế tác.

Bộ Văn hóa khi đó đã cử cán bộ, nghệ sĩ đến kiểm tra và thẩm định, đồng thời quyết định xin tỉnh Phú Khánh cho “mượn” để nghiên cứu và biểu diễn. Từ đó bộ đàn đá theo các đoàn văn nghệ quốc gia đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài nước. Theo đánh giá của GS Trần Văn Khê khi đó thì cùng với trống đồng, đây là loại nhạc cụ hiếm có từ thời cổ đại của Việt Nam! Theo nhạc sĩ Ngọc Anh, nghệ sĩ đoàn Hải Đăng - Khánh Hòa người từng được tham gia biểu diễn đàn đá với NSND Đỗ Lộc, nghệ sĩ Hải Đường, ban đầu khi mới công bố thì đàn đá Khánh Sơn thực tế là “thanh đá kêu” theo kiểu “ngũ cung” như các loại nhạc cổ. Với đồng bào Raglai thì đàn đá được gõ, đánh cùng với các bộ cồng, chiêng, mã la hay chapi khi tổ chức cúng bái, lễ hội. Trong đời thường, người ta treo những miếng đá hay thanh đá bên suối, thác và nhờ sức nước gõ vào nhau nghe vui tai nơi rừng thẳm.

Bộ đàn đá Khánh Sơn sau khi được “cho mượn”, đã ở lại Hà Nội và cuối cùng được tìm thấy ở Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Phân hiệu TP Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm không còn được nhắc đến và biểu diễn. Hiện tại, theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Thiện thì tỉnh đã xúc tiến xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa bộ đàn đá Khánh Sơn về với quê hương Khánh Hòa.

… nhưng âm hưởng còn lan tỏa

Phải nói rằng, âm thanh của đàn đá Khánh Sơn vang lên đã tạo nguồn cảm hứng lớn cho miền đất Khánh Hòa. Khánh Sơn - huyện miền núi phía tây nam Khánh Hòa đã được mệnh danh “xứ sở của đàn đá Khánh Sơn-Việt Nam”. Đàn đá Khánh Sơn đã thành bài hát nổi tiếng từ thập niên 80 thế kỷ trước, đến nay vẫn nhiều người nhớ: “Ơi đàn đá Khánh Sơn. Ơi đàn đá Việt Nam. Tiếng nghìn xưa vang vọng. Đến hôm nay lên tiếng. Gọi buôn làng nương rẫy. Mừng ngày mới bừng lên…” (Đàn ơi hát cùng ta, nhạc sĩ Bằng Linh).

Trong khi bộ đàn đá được đi biểu diễn khắp phương trời xa, thì ở quê hương người dân Raglai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh vẫn vào rừng tìm thêm những bộ đàn đá mới để biểu diễn, cúng mùa. Với các đoàn nghệ thuật tỉnh thì các nghệ sĩ cũng tạo thêm phiên bản bộ đàn đá Khánh Sơn để biểu diễn như một đặc sản văn hóa. Nhạc sĩ Ngọc Anh kể lại, khi được tiếp cận với đàn đá Khánh Sơn nguyên bản, anh nhận thấy các thanh đá này có thể được chế tác như các loại nhạc cụ khác. Thí dụ thanh đá gõ vào ra nốt La thì chỉ cần vạt chút vào góc đầu thanh thì sẽ có thể chuyển thành nốt cao hơn hoặc đẽo bớt ở lưng thanh thì sẽ ra nốt trầm hơn nốt ban đầu… Vì thế các nhạc sĩ đã chế tác nhiều bộ đàn đầy đủ các thanh âm để biểu diễn. Đặc biệt, miền núi rừng Khánh Sơn hay Khánh Vĩnh có những loại đá có chất liệu đặc biệt để tạo âm thanh riêng biệt.

Hiện nay, người nổi tiếng về chế tác đàn đá để bán cho các nhà sưu tập và biểu diễn là nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, nguyên Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Khánh Hòa. Ông từng tham gia thẩm định, luyện tập biểu diễn từ khi đàn đá Khánh Sơn được công bố. Để có bộ đàn đá chuẩn đánh đủ bản nhạc hiện đại rất kỳ công. Trước hết phải tìm cho ra loại đá đặc biệt, theo nhạc sĩ Phương Đông thì chỉ ở vùng Khánh Sơn hay Khánh Vĩnh giáp ranh mới có, với loại đá phun trào rhyolit porphyre là chuẩn nhất.

Khi đã thẩm âm sơ bộ, tiến tới chỉnh âm sao cho chuẩn nốt bằng việc đục đẽo ở các vị trí để thanh đá đã thành đàn ra được nốt nhạc. Trước đây, phải thẩm âm bằng tai, nay có máy đo nên dễ dàng hơn. Hiện tại để có bộ đàn đá ở mức 3 quãng 8 thì phải làm đến 37 thanh, còn thông thường thì cần bộ đàn có 14 hay 15 thanh là chơi được, nhạc sĩ Phương Đông cho biết. Cùng với chế tác thành quy trình sản xuất theo đơn đặt hàng, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông đã đào tạo, hướng dẫn các em người dân tộc ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh với giáo trình bài bản. Ông ước ao có nhiều bạn trẻ biết và biểu diễn được đàn đá để âm vọng nghìn xưa còn lan đến người nghe hôm nay và mãi mai sau.