Phóng viên (PV): Thưa họa sĩ Đặng Tiến, nhiều người tò mò muốn biết ông thường lựa chọn địa điểm để đi thực tế theo tiêu chí nào?
Họa sĩ Đặng Tiến (ĐT): Tôi đi nhiều nơi, phải nói là đất nước mình thật đẹp. Chỗ nào cũng thấy thân thương, cũng gợi cho mình những ký ức, cảm xúc để vẽ. Tôi hay vẽ ở nhà, nhưng thi thoảng đi vẽ thực tế, vừa để thay đổi không khí, vừa lấy tư liệu. Tôi không đặt tiêu chí, vì đi chỗ nào tôi cũng đều thấy có cảm xúc. Nhưng tôi hay đi về các vùng quê chứ không đến các thành phố. Vì mình ở thành phố, đông đúc, ngột ngạt rồi, về vùng quê thấy thoải mái hơn.
Mà cũng không hiểu sao, từ nhỏ, qua hai lần sơ tán tránh máy bay Mỹ, thời gian không nhiều, nhưng tôi thấy thích ngoại thành. Có thể nói, những ký ức hồi nhỏ đi sơ tán ở ngoại thành in đậm trong tôi, để bất cứ khi nào có dịp ra ngoại thành hoặc một vùng quê nào đó, những ký ức ấy lại ùa về. Nơi nào càng hoang sơ, chưa bị đô thị hóa tôi càng thích! Nhớ lại hồi con đầu lòng tôi còn nhỏ, tôi nói với vợ mua căn nhà ở vùng ven thành phố, nhưng vì tôi hay đi vắng, vợ tôi sợ. Thế rồi cứ nấn ná, đến giờ vẫn chưa ra vùng ven được!
PV: Quan sát đời sống văn nghệ thấy một họa sĩ Đặng Tiến nhiệt tình vẽ minh họa cho các báo, tạp chí. Ông đến với việc vẽ minh họa này như thế nào?
ĐT: Tôi làm báo 28 năm rồi chuyển sang Tạp chí Cửa Biển của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, tức là việc minh họa cũng theo tôi đến giờ là 36 năm. Tôi vào cơ quan báo lúc đầu với chức năng chính là trình bày và minh họa. Đến bây giờ, tôi đã vẽ đến hàng nghìn minh họa. Chính sự đam mê từ nhỏ cũng như làm việc nghiêm túc đã giúp tôi có nhiều kinh nghiệm và được đồng nghiệp ghi nhận. Ngoài vẽ minh họa cho các báo, tạp chí ở Hải Phòng, tôi cũng thường xuyên nhận được lời mời minh họa cho một số báo T.Ư, NXB.
PV: Việc vẽ minh họa có bổ sung cho việc sáng tác của ông hay nó lại làm sao nhãng, chi phối công việc chính?
ĐT: Thực ra, vẽ minh họa nhiều lúc cũng ngại, nhất là đang sáng tác tranh sơn dầu khổ lớn. Tuy nhiên, thường là chỗ bạn bè, đồng nghiệp, nên cũng tạm dừng sáng tác để vẽ minh họa. Nó là cái nghiệp rồi, không dứt ra được!
Khi đọc một truyện ngắn, có thể chưa vẽ ngay nhưng trong đầu tôi đã hình thành cái bố cục. Nó làm cho đầu mình quen việc suy nghĩ trong sáng tác. Việc vẽ minh họa giúp tôi giản lược các chi tiết khi mình làm hội họa, cả việc luyện hình. Nên dù đang vẽ phong cảnh, nếu quay sang vẽ người, tôi vẫn bắt nhịp ngay được mà không lúng túng gì.
PV: Vẽ minh họa hẳn sẽ phải đọc kỹ tác phẩm. Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về văn chương Việt qua “cái sự đọc” của mình?
ĐT: Tôi thích đọc từ khi còn nhỏ, thích học văn và sau này làm biên tập nên cũng đọc khá nhiều. Nhưng càng ngày công việc càng bận, việc đọc cũng ít đi, nhất là tiểu thuyết. May là hay vẽ minh họa nên vẫn đọc truyện ngắn. Chỉ đọc truyện ngắn mà đánh giá về văn chương Việt e không chuẩn, nhất là của nhiều tác giả, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Tôi chỉ cảm nhận thế này, thi thoảng tôi mới vớ được một truyện hay khi vẽ minh họa, lại rơi vào một vài tác giả đã định hình. Còn nói chung, nó cứ bình bình, không thấy ấn tượng mạnh.
PV: Ông đánh giá như thế nào về mỹ thuật Hải Phòng trong mấy năm gần đây?
ĐT: Mỹ thuật Hải Phòng mấy năm gần đây khá sôi động. Nhiều người cũng thấy điều đó. Đội ngũ họa sĩ trẻ có tiềm năng, đam mê và khá quyết liệt. Số lượng các triển lãm được tổ chức nhiều với sự tham gia của nhiều họa sĩ Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác. Trong các triển lãm ấy, có nhiều tranh được các nhà sưu tập Hải Phòng và cả nước mua - một tín hiệu vui mà trước đây không có. Hải Phòng xuất hiện các nhà sưu tập, đồng nghĩa với việc, nhiều tác phẩm mỹ thuật chất lượng được lưu giữ tại Hải Phòng trong khi thành phố chưa có Bảo tàng Mỹ thuật. Nó cũng là động lực để các họa sĩ sáng tác. Có thể nói, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đang trở thành một trung tâm mỹ thuật, trước mắt là của khu vực đồng bằng sông Hồng, với một số họa sĩ tâm huyết, được giới mỹ thuật và các nhà sưu tập chú ý.
PV: Xin cảm ơn họa sĩ!