"Đặc trị" nhiễu loạn thị trường xuất khẩu lao động

Việc một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động vừa bị xử phạt cho thấy quyết tâm từ phía cơ quan quản lý trong việc làm lành mạnh thị trường đặc biệt này. Tuy nhiên, chỉ cứng rắn là chưa đủ!
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động ngoài học ngoại ngữ, cần học cả cách tuân thủ quy định trước khi đi nước ngoài làm việc.
Người lao động ngoài học ngoại ngữ, cần học cả cách tuân thủ quy định trước khi đi nước ngoài làm việc.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan vừa ký quyết định xử phạt bốn doanh nghiệp vi phạm các quy định lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Chỉnh đốn cả doanh nghiệp và người lao động

Bốn doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép gồm: Tổng công ty cổ phần Đường sông miền nam, Công ty TNHH Đào tạo quốc tế Đông Đô, Công ty cổ phần Vinaconex Sài Gòn, Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia Long. Lý do xử phạt là không bảo đảm điều kiện về ký quỹ, số lượng nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cũng trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã xử phạt, đình chỉ hoạt động nhiều doanh nghiệp, đơn vị vi phạm. Trước đó, năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thanh tra, xử phạt 62 doanh nghiệp và thu hồi giấy phép của bốn doanh nghiệp.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Việt Nam có gần 500 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Song, ở nhiều địa phương có tình trạng nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn đưa lao động đi làm "chui", gây nhiều hệ lụy cho thị trường, đòi hỏi công tác kiểm tra, xử lý cần phải nghiêm khắc và kịp thời hơn. Đơn cử tại Nghệ An, Hà Nội, cơ quan chức năng còn phát hiện, xử lý nhiều doanh nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhưng vẫn cung ứng, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có hơn 712.600 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có hơn 46.600 người vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp, chiếm 6% tổng số lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

Ở một số huyện tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương đã bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài, vì có nhiều lao động hết hợp đồng nhưng bỏ trốn ra ngoài, không về nước. Đây không phải lần đầu có chuyện "cấm" xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc vì người lao động bỏ trốn. Tình trạng này có nguyên nhân từ chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước chia sẻ: Các trường hợp cư trú bất hợp pháp/ bỏ ra ngoài khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc hết hạn không về nước đã gây hậu quả nghiêm trọng cho những người lao động khác ở địa phương. Bởi thế công tác đào tạo, nâng cao trình độ, tuyên truyền để mỗi lao động ý thức hơn trước khi đi làm việc ở nước ngoài là vô cùng cần thiết.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, vẫn cần các biện pháp mạnh để xử lý tình trạng vi phạm hợp đồng, bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng, chặn đứng các doanh nghiệp vi phạm, gồm cả doanh nghiệp có giấy phép hoạt động và doanh nghiệp không được cấp phép.

Tăng chế tài, tăng tính răn đe

Tại điểm b khoản 3, Điều 34 Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nếu lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 150 đến 200 triệu đồng. Trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép sẽ có mức phạt tù cao nhất lên tới 15 năm. Công dân bỏ trốn ra nước ngoài sẽ bị phạt tiền. Nhiều chuyên gia lên tiếng, dù đã có chế tài xử phạt người lao động và doanh nghiệp vi phạm nhưng còn chưa nghiêm và chế tài chưa đủ mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light, kiến nghị: Chuyện lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động vẫn diễn ra thường xuyên cũng làm nhiễu loạn thị trường lao động, giảm uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhiều người lao động bị lừa ra nước ngoài với số tiền lớn cũng sinh ra tâm lý muốn kiếm nhiều để bù khoản mình đã bỏ ra. Do đó, phải kiểm soát chặt và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lừa đảo. Cũng cần giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp cho thuê, mượn giấy phép lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại dù đã hết hạn hợp đồng còn có một nguyên nhân sâu xa - lo ngại trở về nước sẽ thất nghiệp nên đã tìm mọi cách để ở lại. Bởi thế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần đàm phán nâng thời hạn hợp đồng đi làm việc, có thể là bốn đến sáu năm, thay vì mức thông thường ba năm như hiện nay. Thêm nữa, theo phân tích của ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, còn cần thêm giải pháp hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc có thể yên tâm quay về.

Còn theo TS Nguyễn Đình Quốc Cường (Khoa Chính trị Hành chính - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cần áp dụng chuyển đổi số cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, từ đó có thể giám sát tốt hơn doanh nghiệp và người lao động, thuận tiện trong phân tích các ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn để định hướng, có giải pháp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề phù hợp.