1/Hội thảo khoa học “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất: thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển” đang được Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật (LLPBVHNT) Trung ương chuẩn bị và sẽ diễn ra trong thời gian tới. Chủ đề và các vấn đề cơ bản mà hội thảo dự kiến đặt ra là rất lớn, bao quát chặng dài xây dựng, phát triển của hoạt động LLPBVHNT trên nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT).
Tác phẩm LLPBVHNT đến với người đọc chủ yếu qua các xuất bản phẩm. Bên cạnh những cuốn sách thì hệ thống tạp chí chuyên môn, báo chí về VHNT là những kênh quan trọng để phổ biến các bài viết nghiên cứu, LLPB. Sơ bộ có đến gần trăm ấn phẩm hoặc chuyên sâu hoặc có liên quan đến LLPBVHNT. Việc thiết thực nên làm, chính là việc cung cấp, trang bị hiệu quả các tác phẩm, ấn phẩm LLPBVHNT cho các bạn đọc có nhu cầu. Rộng hơn là việc gợi mở, khơi lên nhu cầu đối với các đối tượng cần và nên được tiếp cận tác phẩm LLPB.
Hiện, có nhiều đơn vị đào tạo về VHNT, trong đó có lĩnh vực LLPB, như các trường đại học kiến trúc, mỹ thuật, sân khấu và điện ảnh - gồm có cả nhiếp ảnh, khoa Văn học - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, khoa Viết văn - Báo chí Trường đại học Văn hóa Hà Nội, một số khoa, trường đào tạo về văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh khu vực miền trung, miền nam… Ngoài ra, các học viện, viện nghiên cứu có chức năng cũng đào tạo các học viên sau đại học làm công tác nghiên cứu VHNT. Lực lượng sinh viên, học viên này chính là đối tượng bạn đọc dồi dào, tiềm năng và có nhu cầu tiếp cận các tác phẩm LLPBVHNT.
Theo đó, cần xây dựng, nâng cấp hệ thống thư viện, phòng đọc của các đơn vị đào tạo về VHNT, giúp người đọc trong các khoa, trường tiếp cận, khai thác nhiều hơn, hiệu quả hơn hệ thống công trình, tác phẩm LLPBVHNT hiện đang lưu giữ. Cùng với đó, củng cố hơn cho các thiết chế này bằng việc cung cấp, trang bị các ấn phẩm báo chí chuyên ngành của các viện nghiên cứu, các hội nghề nghiệp; phần nào giúp người học nắm bắt rộng rãi hơn đời sống VHNT, trong đó có hoạt động LLPB.
2/Cũng nhìn từ hoạt động của các đơn vị đào tạo, còn có thể thấy, sinh viên, học viên còn ít có điều kiện, thời gian đến với các hội nghị, hội thảo, các sự kiện VHNT, các cuộc sinh hoạt nghề nghiệp nói chung của giới nghề. Từ đây, nên điều chỉnh, mở rộng, làm cho chặt chẽ, thường xuyên hơn mối liên hệ này, bằng việc các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp mở rộng hơn đối tượng tham dự các sự kiện, hoạt động, các cuộc sinh hoạt nghề nghiệp đến sinh viên, học viên. Đồng thời, phối hợp mở rộng không gian tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt nghề nghiệp đến các khoa, trường đào tạo về VHNT. Vài thí dụ từ Khoa Viết văn - Báo chí Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Tại đây, đội ngũ quản lý, giảng viên của khoa từng phối hợp với hội nghề nghiệp, viện nghiên cứu, cá nhân nhiều nhà nghiên cứu, sáng tác tổ chức một số hội thảo, hội nghị như về văn học thời kỳ đổi mới, về thơ lục bát, về văn học trẻ… Riêng Hội đồng LLPBVHNT Trung ương những năm qua đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng cho đối tượng rộng rãi là các nhà báo, phóng viên các báo, tạp chí trung ương, địa phương; biên tập viên nhà xuất bản; lãnh đạo và cán bộ các hội VHNT; cán bộ quản lý lĩnh vực văn hóa các địa phương. Nên chăng có thể mở rộng thêm đến đối tượng là sinh viên, học viên lĩnh vực LLPB có chất lượng cao, có sự chọn lọc từ các đơn vị đào tạo.
3/Bên cạnh đó, việc phát triển, cải tiến các ấn bản điện tử của các báo chí chuyên ngành văn nghệ, các tạp chí VHNT địa phương rất nên được đầu tư thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, tăng lượng người theo dõi, thu hút sự chú ý, đón đọc của giới nghề, bạn đọc với các đề tài LLPB bên cạnh các mảng sáng tác, thông tin khác là việc rất cần được đội ngũ điều hành, tổ chức, biên tập các ấn phẩm, diễn đàn trên mạng quan tâm thúc đẩy. Theo đó, xây dựng các trang mạng xã hội nhằm giới thiệu rộng rãi các tác phẩm LLPB là một cách nên tham khảo, thử nghiệm.
Công việc này đòi hỏi sự nhanh nhạy, linh hoạt, sáng tạo của đội ngũ điều hành các ấn phẩm, diễn đàn điện tử trong việc tổ chức nội dung, xây dựng các chủ đề, đề tài LLPBVHNT gắn với các vấn đề VHNT, văn hóa, xã hội thời sự nổi bật đang được công chúng quan tâm. Nhờ đó có thể đưa đến những tương tác đa dạng, đa chiều giữa tòa soạn, trang mạng với công chúng, giữa người viết và người đọc.
Đó là những công việc cần xây dựng cơ chế phối hợp, các chế độ đầu tư, đãi ngộ hiệu quả, sự đánh giá, rút kinh nghiệm, sáng tạo trong cách thức tổ chức, truyền thông, vì những điều ích lợi mà có khi không thể thấy rõ, thấy được ngay trong tương lai gần. Nâng cao, phát huy tác dụng của tiếng nói LLPBVHNT vào đời sống văn hóa, VHNT, rất cần tạo điều kiện để nhiều đối tượng khác ngoài các nhà chuyên môn, các nhà lãnh đạo, quản lý cũng đón nhận được tiếng nói ấy.