Xem tranh các danh họa
Mỗi họa sĩ có một phong cách sáng tác, và hình ảnh người thiếu nữ trong tranh của họ cũng có đặc trưng riêng biệt, không ai giống ai. Tuy nhiên, tranh của các danh họa Việt Nam có nhiều sự khác biệt đối với các họa sĩ trẻ, nhất là ở phong cách, nhìn vào có thể nhận biết được ngay. Có những bức tranh đã quá nổi tiếng, ăn sâu vào ký ức của người yêu hội họa, như bức 'Thiếu nữ bên hoa huệ' của danh họa Tô Ngọc Vân. Ông vẽ bức này năm 1943, mô tả chân dung một thiếu nữ mặc áo dài trắng bên cạnh lọ hoa huệ tây (hoa loa kèn) trắng muốt, tinh khôi. Tác phẩm này được coi là một tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân, và cho cả nền mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20. Hoa loa kèn là thứ hoa chỉ có vào tháng ba, tháng tư Hà Nội. Mầu trắng thuần khiết của những bông hoa, bên cạnh dáng vẻ trang nhã của một thiếu nữ Hà Nội cùng với chiếc áo dài trắng cổ điển, gợi cho người xem những mỹ cảm về tuổi thanh xuân. Ðấy là vẻ đẹp của cả hoa lẫn người và mùa xuân.
Vẽ phụ nữ là sở trường của Tô Ngọc Vân. Khi theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương (1926 - 1931) ông đã say mê hình tượng thiếu nữ với tà áo dài truyền thống. Sau này, ông thuê người mẫu đến nhà vẽ tranh sơn dầu, sơn mài. Một nhà phê bình mỹ thuật đã viết về ông: 'Những thiếu nữ trong tranh Tô Ngọc Vân đều có vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết, giàu nữ tính. Họ duyên dáng, kín đáo và tế nhị, lịch sự, quý phái trong từng cử chỉ, dáng điệu khiến người xem có cảm tưởng họ sinh ra từ không khí, ánh sáng và những cánh hoa. Và dường như chung quanh họ được bao bọc bởi một không gian êm đềm, thơ mộng. Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp của phụ nữ Hà Nội, phụ nữ Á Ðông: Mong manh mà bền vững, bí ẩn mà quyến rũ, lúc nào cũng như đắm chìm, soi rọi vào thế giới nội tâm chính mình; ngay cả nỗi buồn thành thực, ngây thơ của họ cũng hết sức đáng yêu'.
Danh họa Trần Văn Cẩn cũng sáng tác nhiều tranh thiếu nữ, và thường gắn với một loài hoa nào đó. Theo ông, đó là biểu trưng của sự sống của cái đẹp. Ðặt thiếu nữ bên hoa là thể hiện cho một kiểu so sánh, đối trọng, phù trợ. Bức 'Em Thúy' của Trần Văn Cẩn được coi là một trong những tác phẩm chân dung thành công nhất của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Theo nhà phê bình Thái Bá Vân, hình tượng cô bé trong 'Em Thúy' phản ánh thế giới nội tâm của Trần Văn Cẩn vào những năm 1940 khi họa sĩ mang nhiều nỗi niềm trước công cuộc Âu hóa ở Việt Nam. Ngoài 'Em Thúy', Trần Văn Cẩn còn có 'Em Lan', 'Lan phong điệp', 'Em bé'... Xem tranh của Trần Văn Cẩn, người ta cứ thấy thiếu nữ và hoa trở đi trở lại, khó có thể kể hết tên các loại hoa đã xuất hiện trong họa phẩm của ông. Dường như, niềm đam mê này đã ngấm vào máu của nhà danh họa từ khi còn trai trẻ.
Rất nhiều người đã đắm chìm vào không gian nghệ thuật khi xem tranh Dương Bích Liên vẽ về các thiếu nữ. Các cô gái trong tranh ông đầy nữ tính: dịu dàng, thùy mị, đằm thắm và rất Việt Nam. Tranh ông thường quan tâm đặc tả chi tiết (chủ yếu là ánh mắt). Dưới nét cọ của ông hiện lên cái thần người phụ nữ, điều không phải họa sĩ nào cũng làm được. Thiếu nữ trong tranh Dương Bích Liên không sắc sảo, lộng lẫy, kiêu sa nhưng đều có tố chất riêng. Ông phản ảnh cái đẹp qua lăng kính của người nghệ sĩ trí thức: không thích cái đẹp rực rỡ, bên ngoài mà quý cái duyên lặng thầm bên trong.
Ở thể loại tranh sơn mài, họa sĩ Nguyễn Gia Trí với 'Dọc mùng', được coi là bức sơn mài đẹp nhất Việt Nam. Cây cọ tài hoa của ông thể hiện bức 'Thiếu nữ trong vườn' cũng được đánh giá là một trong những tác phẩm tranh xuân về thiếu nữ hoàn mỹ nhất. Bức tranh khắc họa vườn hoa muôn sắc mầu, trong đó các cô gái đang vui đùa, giá trị hiện thực toát lên từ hình khối, động tác. Sắc vàng kim được dát trên nền trời, trên những tấm áo điểm xuyết vỏ trứng, những vệt vàng lộng lẫy trên từng đường lượn như tôn vẻ đẹp thanh tân thiếu nữ.
Các họa sĩ đương đại đánh giá Nguyễn Sáng là một trong những danh họa vẽ chân dung thiếu nữ giỏi nhất. Ðiều đó được thể hiện ngay trong bức 'Thiếu nữ bên hoa sen' (ảnh bên) của ông. Ở đây, thiếu nữ không còn e ấp, mà chống hai tay sang hai bên, đôi mắt to, khỏe khoắn nhìn ra xa. Ðó là hiện thân của một vẻ đẹp đầy sức sống, tự tin, không cam chịu.
Với mảng tranh lụa, danh họa Nguyễn Phan Chánh thật sự là người thành công với đề tài thiếu nữ. Những bức 'Chơi ô ăn quan'; 'Lên đồng'; 'Cô gái rửa rau'; 'Em cho chim ăn'... là những đỉnh cao trong nghệ thuật sáng tạo của ông. Ðó là những tác phẩm nghệ thuật, xác lập tên tuổi và khẳng định Nguyễn Phan Chánh là người đặt nền móng cho tranh lụa Việt Nam. Ðặc biệt phải nhắc đến bức: 'Chơi ô ăn quan', 'rất Nhật mà không phải Nhật, rất Tây mà không phải Tây'. Nguyễn Phan Chánh làm người xem ngỡ ngàng khi vẽ những em bé vui chơi mà không nghịch ngợm, chăm chú mà điềm tĩnh, ngây thơ mà tư lự... đã gây một tiếng vang lớn trong cuộc Triển lãm đấu xảo Quốc tế Pa-ri năm 1931. Sau này ông còn có những bức tranh về phụ nữ với vẻ đẹp rất đời thường, khiến cho người xem không thể bỏ qua: 'Hai thiếu nữ đội nón thúng quai thao', 'Thiếu nữ chải tóc', 'Hái rau muống','Tối cho con bú', 'Kỳ lưng', 'Tắm ao'...
Ông họa sĩ được mệnh danh là 'Vua phố cổ' Bùi Xuân Phái nổi tiếng với những bức tranh phố liêu xiêu 'mái ngói xô nghiêng'. Tuy nhiên, Bùi Xuân Phái cũng vẽ nhiều đề tài khác, trong đó có hàng trăm bức tranh về người phụ nữ. Ông cũng có xê-ri những bức 'nuy' nhỏ rất 'gợi'. Ngoài ra ông còn vẽ những nhân vật phụ nữ trong các vở chèo cổ. Ở mảng này, tranh của ông bớt trầm tư, cô liêu hơn mảng tranh phố. Những bức tranh chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của làng xã Bắc Bộ. Những đào lệch, đào thương, những cô gái soi gương chải tóc, những cảnh sinh hoạt sau hậu trường sân khấu của diễn viên khi họ thay trang phục trước giờ biểu diễn... được làm sống động bằng một ngôn ngữ hội họa cũng nôm na, ước lệ như diễn xuất chèo.
Ðề tài vô tận
Họa sĩ Hoàng Ðình Tài, một họa sĩ với nhiều ký họa chiến trường, là học trò của danh họa Nguyễn Sáng khẳng định: 'Họa sĩ nào trong đời cũng vẽ thiếu nữ. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Vì vẽ về phụ nữ là vẽ về vẻ đẹp, về sự phồn vinh và hơn nữa, họ là một nửa của thế giới'. Trong sự nghiệp hội họa của mình, Hoàng Ðình Tài cũng vẽ hàng chục chân dung thiếu nữ, nhiều bức tranh sơn mài miêu tả phong cảnh thiếu nữ du xuân, đi hội... với sự thể hiện những khát vọng thanh bình và một tình yêu mãnh liệt.
Cũng có cảm hứng về đề tài phụ nữ, nhưng họa sĩ Nguyễn Thanh Bình lại có cách thể hiện khá riêng biệt so với các họa sĩ đương đại. Ai xem tranh của ông cũng thoáng giật mình vì vẻ đẹp nhòe mờ của các cô gái với sắc đen trắng. Sự hòa tan giữa hình thể và không gian đã làm cho người mẫu trở nên huyền ảo hơn, dù dáng vóc thân quen của mỗi ai đó đang hiện hữu...
Họa sĩ Công Quốc Hà có rất nhiều tranh sơn mài về phụ nữ được sử dụng trên các báo, tạp chí. Xem tranh của ông, người ta dễ dàng nhận ra một phong cách riêng. Trong tranh của ông, những cô nữ sinh, những em bé, những thiếu phụ với vẻ đẹp sang trọng, thuần khiết từ hình thể được vuốt mảnh trong tà áo dài Hà Nội (phần lớn là áo dài hoa với họa tiết rất đặc trưng Công Quốc Hà) như hé gợi một thoáng nội tâm nhân vật, thầm thì trong sắc mầu lộng lẫy hoặc trầm ấm.
Là họa sĩ dân tộc Tày, Vi Quốc Hiệp cũng rất thành công khi đưa hình ảnh người phụ nữ dân tộc phía bắc vào tranh. Ông từng tâm sự: 'Trong cuộc sống, phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số) thường là những người vất vả và thiệt thòi bởi quan niệm trọng nam khinh nữ. Tiếp xúc với chị em dân tộc thiểu số, tôi thấy họ tuy vất vả nhưng luôn tự hào trước mọi người về trang phục của dân tộc mình. Với họ, dù đi lao động trên nương rẫy hay làm việc trong nhà, đi chợ hay sang nhà hàng xóm, bao giờ họ cũng diện bộ trang phục dân tộc đẹp nhất...'.
Mỗi người phụ nữ, mỗi vẻ đẹp khác nhau. Các họa sĩ đã tôn vinh những đường nét uyển nhã, mỹ lệ ấy. Tranh về phụ nữ là những hòa ca về vẻ đẹp xuân thì của sự sống. Ðây là một đề tài vô tận. Khi người phụ nữ lên tranh, vẻ đẹp ấy đôi khi là ước lệ. Có họa sĩ làm say lòng người xem bởi dáng vẻ thướt tha thanh thoát của người đẹp, họa sĩ khác lại thành công ở đôi mắt. Tất cả đều là sự trân trọng vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.