Cuộc rút lui khó khăn

Ngày 27/1, Iraq và Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về tương lai của quân đội Mỹ và các nước khác ở nước này. Baghdad kỳ vọng các cuộc thảo luận sẽ dẫn đến lộ trình giảm sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Iraq. Tuy nhiên, lộ trình rút quân của Mỹ sẽ còn diễn ra lâu dài do Washington còn những quan ngại về an ninh trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: DAVE GRANLUND
Biếm họa: DAVE GRANLUND

Văn phòng Thủ tướng Iraq ra tuyên bố cho hay, Thủ tướng Mohamed Shia al-Sudani “đã tổ chức vòng đối thoại song phương đầu tiên giữa Iraq và Mỹ nhằm chấm dứt sứ mệnh của liên quân quốc tế tại Iraq”. Theo AP, Cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Sudani, ông Farhad Alaaldin khẳng định: “Iraq cam kết với các quốc gia tham gia liên quân quốc tế rằng, sẽ đạt các thỏa thuận phục vụ lợi ích tốt nhất của Iraq và các nước này”.

Hôm 25/1, Washington thông báo đã nhất trí với Baghdad về việc thành lập “các nhóm chuyên gia quân sự và quốc phòng”, thuộc Ủy ban Quân sự cấp cao được thành lập theo thỏa thuận với Baghdad. Các nhóm này sẽ xem xét 3 yếu tố chính, bao gồm “mối đe dọa từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), các yêu cầu về hoạt động và môi trường, cũng như mức độ năng lực của lực lượng an ninh Iraq”. Các cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng, diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở Iraq và khu vực liên quan cuộc xung đột Hamas - Israel, làm gia tăng các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ và liên quân.

Hiện khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ đang được triển khai ở Iraq và khoảng 900 lính ở Syria trong khuôn khổ liên minh chống IS được thành lập vào năm 2014, nhằm ngăn chặn sự tái xuất hiện của IS, lực lượng từng chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria vào năm 2014 trước khi bị đánh bại. Hàng trăm binh sĩ từ các nước châu Âu cũng tham gia liên minh này. Chính phủ Iraq tuyên bố, IS đã bị đánh bại và nhiệm vụ của liên minh đã hoàn thành, nhưng Baghdad vẫn mong muốn xây dựng quan hệ song phương với các thành viên liên minh, bao gồm hợp tác quân sự về huấn luyện và trang bị.

Các cuộc đàm phán vì thế nhằm đánh giá nhu cầu hoạt động và hiệu quả của lực lượng an ninh Iraq, cũng như các mối đe dọa mà lực lượng phải đối mặt. Dựa trên đó, cả hai bên sẽ xác định tốc độ rút quân theo giai đoạn của liên minh và triển vọng của quan hệ song phương trong tương lai. Giới chức Mỹ và Iraq cho rằng, quá trình này dự kiến sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể lâu hơn, với kết quả không chắc chắn và không có kế hoạch rút quân lập tức của Mỹ. Washington lo ngại rằng, việc rút quân nhanh chóng có thể tạo ra một khoảng trống an ninh để IS lợi dụng. Hiện tổ chức cực đoan này vẫn duy trì các nhóm nhỏ ẩn náu trong các khu vực sa mạc và tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhỏ lẻ mặc dù không còn kiểm soát lãnh thổ nào.

Mặc dù vẫn muốn hợp tác với liên minh do Mỹ dẫn đầu, song các hoạt động quân sự của Washington trên lãnh thổ Iraq vẫn cần được sự chấp thuận của Baghdad. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 23/1 thông báo, lực lượng nước này đã thực hiện các vụ tấn công “cần thiết” nhằm vào ba cơ sở của nhóm vũ trang Ketaeb Hezbollah và các nhóm khác ở Iraq, chỉ vài ngày sau khi binh sĩ Mỹ đồn trú ở miền tây Iraq đã bị tấn công bằng tên lửa và rocket.

Iraq đã lên tiếng phản đối các vụ không kích của Mỹ nhằm vào các vị trí quân sự ở nước này, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia Tây Nam Á. Trong tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Iraq nhấn mạnh, vụ tấn công của Mỹ là những hành động gây leo thang căng thẳng, vi phạm chủ quyền của Iraq và làm suy yếu quá trình hợp tác nhiều năm qua giữa Baghdad và Washington.

Theo Lầu năm góc, Mỹ và các lực lượng đồng minh ở Iraq và Syria đã trở thành mục tiêu của hơn 150 vụ tấn công và đến nay Washington đã tấn công đáp trả ở cả hai nước. Hiện, Mỹ đang đồn trú khoảng 2.500 binh sĩ ở Iraq và 900 binh sĩ ở Syria như một phần trong các nỗ lực ngăn chặn IS trỗi dậy ở hai quốc gia Trung Đông này.