Cuộc đời tui chỉ có rứa đó!

Ngày 27/4/2022. Khi bà Vinh khệ nệ bê ra những chân máy, giá đỡ và các dụng cụ in, phóng ảnh; các máy ảnh cũ... đặt đầy trên sàn nhà và mặt bàn, ông lão 80 với đôi mắt tinh anh, vẻ mặt quắc thước, nhưng thân thể đã tiều tụy vì mấy năm nay đang mang trong mình bệnh ung thư trực tràng, nhìn kỹ từng thứ một rồi rưng rưng nói:

- Tất cả những thứ ni đã giúp tui làm nên quyển sách ni. Đây là cuộc đời tui và cuộc đời tui chỉ có rứa đó!

0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô trò chuyện với cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô trò chuyện với cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Tất cả những thứ ni đã giúp tui làm ra cuốn sách ni

Sau câu nói ấy, trưa Quảng Trị bỗng trở nên im bặt. Tất cả hiện vật, từ chân máy phóng đế gang, ống pháo sáng, những ống kính máy ảnh... bỗng nhòe đi, xoay một vòng rồi từ từ tiến về phía lão.

Lão ôm chúng vào lòng, xoa đầu chúng hồi lâu...

Ông lão ấy là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô.

"Quyển sách ni" mà ông nói là cuốn sách ảnh "Fidel Castro - Quảng Trị, một ngày lịch sử 1973". Ngày 8/9/1973, từ bên kia bán cầu, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đến thăm Quảng Trị, mảnh đất còn khét mùi bom đạn và người chụp ảnh duy nhất được chứng kiến, ghi lại những hình ảnh vô giá này chính là ông. Sở dĩ ông được vinh dự thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ấy vì ông là người Vĩnh Linh, từng là phóng viên báo Thống nhất Vĩnh Linh, người đã thâm nhập tử lộ Đường 9, đã cùng bộ đội, thanh niên xung phong, chiến sĩ giao thông, dân công hỏa tuyến mở đường 20 Quyết Thắng và nhiều tuyến đường Trường Sơn khác, đã sống nhiều phần đời trong địa đạo, đã là phóng viên chiến tranh tại Thành cổ trong 81 ngày đêm lịch sử và nhiều chiến trường ác liệt khác của Quảng Trị. Những bài viết, những bức ảnh của ông lóe lên trong ánh lửa của nòng súng. Và cái chết đã tìm ông đúng 15 lần... Vào thời điểm đón Fidel, ông là người phụ trách bộ phận thông tin cổ động-nhiếp ảnh của Ty Văn hóa tỉnh Quảng Trị.

Trong số các hiện vật được bày ra, tôi đặc biệt ngạc nhiên trước một thứ không liên quan gì đến nghề ảnh: ống pháo sáng. Ông kể: Dưới địa đạo Vĩnh Thành, khi đang rửa những tấm ảnh chụp cuộc chiến đấu ở Thành cổ thì mất điện. Yêu cầu tuyên truyền không thể dừng. Thế là tôi nghĩ ra cách dùng ống pháo sáng này, dẫn ánh sáng từ nóc địa đạo xuống để rọi ảnh. Không ngờ hiệu quả lại tốt. Khi theo Fidel một ngày trời, từ đầu cầu Hiền Lương, Đường 9, từ trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời đến cao điểm 241 Tân Lâm - nơi trung tá Phạm Văn Đính và Tiểu đoàn 56 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa phản chiến, trên đường xác xe tăng và pháo "vua chiến trường" Mỹ vương vãi, từ Đông Hà đến Dốc Miếu,... tôi đã chụp được khá nhiều ảnh. Có kiểu chỉ kiễng chân, giơ máy ảnh về phía Fidel mà bấm chứ không kịp ngắm... Có những bức tôi cũng rửa ảnh theo phương pháp này...

- Có thể gọi đây là phương pháp Hồ Sỹ Sô?

- Tôi không biết có gọi được không nhưng nghe nói cũng có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh học theo cách đó... Cái thời của chúng tôi khó mọi thứ, cứ phải nghĩ cách khắc phục, chứ bây giờ chụp ảnh thì sướng lắm rồi.

Hướng về Vũ Hải Yến và Mai Chí Vũ, hai cán bộ của Bảo tàng Báo chí đến tiếp nhận hiện vật mà ông và gia đình quyết định hiến tặng đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị, ông nói:

- Rứa, từng đó của không mấy, công cũng đến đó. Tất cả những thứ này rất gắn bó với cuộc đời tui. Đời tui có rứa thôi! Các đồng chí mang ra, làm gì đó tui không biết, nhưng có thể nói: Đây là những dụng cụ, những tài sản tui có được, tui làm được. Nó chứng minh tui đã sống và chiến đấu trên mảnh đất này. Tui không sống được bao lâu nữa. Tui nghĩ những thứ này cũng có thể kể những câu chuyện không lời về quá khứ. Tui rất cảm ơn các đồng chí!

Cuộc đời tui chỉ có rứa đó! ảnh 1
Chủ tịch Fidel chào những nữ du kích Gio Linh chiến thắng. Ảnh: HỒ SỸ SÔ

Quảng Trị là tui, tui là Quảng Trị!

Tôi gặp anh Sỹ Sô lần đầu tại Hà Tĩnh vào năm 1998, trong một hội nghị văn nghệ. Giới văn nghệ thường sôi nổi, một số người nổi tiếng thường có chút gì đó kênh kiệu. Anh Sỹ Sô thì không, từ tốn, da trắng và hiền như con gái... Sự từ tốn đó cuốn hút tôi, và hồi đó, anh em có những đồng điệu.

Thời gian đã xa, trí lực giảm nhiều, nhưng anh vẫn còn nhớ những ngày ấy. Biết anh mệt, cần nghỉ nhưng tôi vẫn muốn tranh thủ khai thác một chút về nghề báo. Anh nói: "Đó là nghề rất tuyệt vời anh Đại ạ. Thấy được, nói được và nói thật được thì góp làm cho cuộc sống tốt hơn. Hồi trước, tôi thấy bà Nguyễn Thị Xoắn, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Vĩnh Thành, ở trong một túp lều chỉ có hai tấm tranh đủ che bàn thờ ông, thấy bà ra vào phải khom lưng mà tôi cháy ruột. Tôi có chụp bức ảnh ấy, nhờ nó, cuộc sống của mẹ được cải thiện. Tiếc là tấm phim và bức ảnh ấy đã thất lạc".

- Anh đã có thời gian vào TP Hồ Chí Minh sống với các con, sao anh về lại Quảng Trị?

- Chuyện dài lắm, kể không hết. Tui về đây là để giữ lời hứa với bà đó - chỉ bà Vinh. Tui chỉ thấy về đây như mới được sống dù khi từ TP Hồ Chí Minh ra, chẳng có nhà cửa, tài sản gì. Chính quyền thương, bà con thương, cho đất, rồi giúp làm nhà, hôm sớm đùm bọc. Có lẽ vì rứa mà người ta gọi là "quê nhà". Quảng Trị là tui, tui là Quảng Trị, anh à...

Sóng vỗ Tùng Luật

Để ghi nhớ cuộc gặp mà cả hai anh em đều linh cảm có thể là cuộc gặp cuối, anh tìm tặng tôi bức ảnh "Chiến hào mùa mưa. Bộ đội Sư 325 và du kích Triệu Phong chốt giữ thành cổ Quảng Trị". Đó là bức ảnh chụp trong chiến hào nước ngập gần đến đầu gối. Phía trước ảnh là hai chiến sĩ rất trẻ đội mũ tai bèo, lăm lăm AK, mắt dõi về phía trước, rất tập trung. Cạnh đó là một số nam nữ du kích, tất cả cùng chăm chăm về một hướng, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Có vẻ phía trước, địch đã đến rất gần.

Tôi từng là một xạ thủ AK nên rất thích tư thế cầm AK của hai chiến sĩ, đặt AK hơi nghiêng để chống giật và bắn loạt chính xác. Một nữ du kích sử dụng khẩu B41, chứng tỏ du kích đã làm chủ được khí tài hiện đại. Quân dân bên nhau. Một bức ảnh mang rất nhiều ý nghĩa.

Anh Hồ Sỹ Sô sinh năm 1942, quê Đông Thanh, Đông Hà, Quảng Trị, Hội viên FIAP, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tước hiệu HONVAPA. Anh từng là Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Quảng Trị, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; có nhiều giải thưởng lớn về nghệ thuật. Những năm cuối đời, anh lại về đây, bên bờ bắc Hiền Lương, Đường số 9, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang. Nhà anh nhìn ra bến đò Tùng Luật, thời chiến tranh gọi là bến đò B, là nơi mà nhân dân Vĩnh Giang và các xã khác của Vĩnh Linh đã dùng thuyền đò bí mật chở quân, lương, vũ khí vào nam; chở thương binh và nhân dân miền nam sơ tán ra bắc.

Đồng chí Lê Duẩn đã bí mật vượt tuyến ở đây.

Bến đò B được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1996, bia dẫn tích khắc đá ghi: "Trong giai đoạn 1968-1972, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, lực lượng thanh niên xung phong 771, nhân dân thôn Tùng Luật, dân quân các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang... đã bảo đảm sự hoạt động liên tục của bến đò, kịp thời chi viện sức người sức của cho chiến trường miền nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng. Đưa hơn 78.000 lượt thuyền qua về, đã vận chuyển trên hai triệu lượt người và hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa".

Trong hai triệu lượt người ấy, có thể có các anh tôi, những chiến sĩ mãi mãi đã nằm xuống, vùi tuổi xuân trong lòng đất Quảng Trị!

Chiến tranh đã chấm dứt nửa thế kỷ. Nhưng với những người như anh Sỹ Sô, chiến tranh không bao giờ qua. Sông Hiền Lương trong anh còn đau một vết dao cắt. Trong dòng nước xanh chưa tan máu đỏ, chưa xóa nổi những bóng hình người anh đã gặp, đã cùng chung sống. Trước cửa nhà anh, trong tim anh, con sóng Tùng Luật mang âm điệu chiến tranh, bi thương trộn hào hùng, vẫn ngày đêm ầm ì vỗ...