1/Thành lập từ năm 1992, tuy nhiên sau đợt nâng cấp, cải tạo từ năm 2020 và chính thức đón khách từ 1/9/2023, Bảo tàng tỉnh Hà Giang mới thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách. Trên diện tích tổng thể xấp xỉ 4.100 m2, bảo tàng bao gồm các hạng mục: Nhà bảo tàng, nhà sàn truyền thống, hệ thống sân vườn và các công trình phụ trợ mang nét kiến trúc hiện đại, hài hòa với kiến trúc truyền thống bản địa.
Thay cách trưng bày ôm đồm nhiều hiện vật của giai đoạn trước, việc bố trí một gian khánh tiết và 5 không gian trưng bày theo chủ đề, bố trí khoa học, hiện đại, nội dung giới thiệu ngắn gọn mang đến cho bảo tàng một diện mạo mới mẻ. Các hiện vật tiêu biểu được lựa chọn kỹ lưỡng, tạo điểm nhấn về những dấu mốc lịch sử của địa phương. Đặc biệt du khách được trực tiếp trải nghiệm, khám phá bảo tàng nhờ các thiết bị điện tử ứng dụng công nghệ số với nội dung sinh động, hấp dẫn. Như tại khu vực tầng một, với chủ đề “Hà Giang những dấu mốc lịch sử”, du khách được quan sát trực tiếp những hiện vật gốc từ những mẫu sinh vật biển hóa thạch, những dấu tích của người nguyên thủy, hiện vật về quá trình tụ cư của các dân tộc ở Hà Giang cho đến những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và an ninh biên giới. Đồng thời khách tham quan còn được trải nghiệm thông qua việc trình chiếu tại sa bàn công nghệ sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping giới thiệu một cách vắn tắt bằng hình ảnh về lịch sử hình thành mảnh đất Hà Giang.
2/Tương tự ở khu vực tầng hai với các chủ đề: Ba vùng sinh thái, Văn hóa đa dạng và Xây dựng cuộc sống mới, ứng dụng công nghệ số phát huy hiệu quả, gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều du khách. Không mất công di chuyển, đọc các bảng hướng dẫn hay phải cố gắng nhớ phần giới thiệu chi tiết, giờ đây du khách chỉ cần ngồi yên lặng trước màn hình panorama khổ lớn, trên đó trình chiếu một cách cô đọng, xúc tích những cảnh quan tiêu biểu của các vùng sinh thái tại Hà Giang. Với thời lượng tuy không dài, những đoạn phim đã chọn lọc những hình tiêu biểu, đặc sắc, có sự kết hợp với mầu sắc, âm thanh, ánh sáng tạo cảm giác chân thực, sống động khiến du khách có cảm giác như đang tham gia một chuyến du hành trong không gian ảo.
Cùng với đó, thông qua các màn hình cảm ứng đặt trong bảo tàng, du khách hoàn toàn chủ động khám phá các thông tin mà mình quan tâm như các phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống hay thông tin về các dân tộc đang cư ngụ trên mảnh đất Hà Giang. Nhiều du khách đã bày tỏ sự thích thú khi tương tác với màn hình cảm ứng như việc được thử tiếng một chiếc chuông cổ trên màn hình cũng như được quan sát hình ảnh chân thực về chiếc chuông ở cả 360 độ.
Hướng dẫn viên Lê Thị Ngọc Anh chia sẻ: Bảo tàng phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại bảo tàng. Việc cải tiến hoạt động của bảo tàng, nhất là ứng dụng công nghệ số được các em rất thích thú. Nhờ sự tương tác tại chỗ với những thông tin hình ảnh hấp dẫn khiến các em thêm say mê tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của địa phương. Với cách làm sáng tạo, Bảo tàng tỉnh Hà Giang đã góp phần gìn giữ, bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa các dân tộc của địa phương đồng thời mang đến cho du khách những trải nghiệm lý thú.
Nhằm thu hút các em nhỏ khi đến với bảo tàng, trên tầng hai bố trí riêng một khu vực giới thiệu các mô hình mẫu vật, theo đó các em nhỏ có thể dùng giấy vẽ mỏng đặt lên để sao chép và tô mầu.