Còn đâu đây hương cỏ

Tôi nhìn đồng hồ. Mới 10 giờ tối mà tưởng như đã khuya lắm rồi. Ở bản làng heo hút này, thời gian như trì trệ. Cái yên ả, tĩnh lặng của không gian càng làm hồn tôi khuấy động. Nhất là những đêm lắng đọng như thế này…
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Hương cỏ mật dâng ngập không gian. Tôi sống lại cùng ký ức tuổi thơ, nơi miền nhớ còn hằn ghi truyện ngắn “Cỏ mật” của nhà văn Đỗ Chu. Mùi hương đồng nội ấy đã làm say lòng những cậu trai, cô gái tuổi học trò và truyền cái mơ mộng sang cả cô giáo. Lớp học lúc nào cũng phảng phất hương vị mộc mạc nhưng đậm đà, khó quên ấy để rồi khi trở thành những người lính, nó vẫn thơm trong hoài niệm của những chiến sĩ trên mỗi nẻo đường hành quân, vẫn khắc khoải trong e ấp yêu thương của những cô gái hậu phương ngày đêm hướng về tiền tuyến…

Tôi nhắm mắt khẽ rùng mình. Nỗi buồn tưởng đã nguôi ngoai…

Từ ngày giã từ nơi rực rỡ ánh đèn và náo nhiệt âm thanh, lên đây hòa mình vào cuộc sống vùng cao, tôi thương hơn những mảnh đời lam lũ. Nếu không đặt chân đến mảnh đất này, tôi sẽ chẳng thể nào tưởng ra vẫn còn những địa phương nghèo nàn như thế. Vậy nhưng, những chàng trai, cô gái đang tuổi xuân thì ở đây vẫn hồn nhiên, rạng rỡ như hoa rừng. Cuộc sống bộn bề khó khăn, nhưng khi tiếng trống rộn ràng thúc giục, tiếng khèn mời gọi tha thiết, ánh lửa bập bùng, nhảy nhót trên tay, họ như những nàng tiên, những chàng hoàng tử bước ra từ những câu chuyện huyền thoại.

Hay tại tôi đã quá quen với đủ đầy, nhung lụa, quen với sự bao bọc từ tấm bé? Cái cảm giác đổ vỡ, bế tắc, mất phương hướng đôi lúc vẫn ùa về dù tôi cố xua đi, dù sau những cay đắng, tôi đã thấm thía phần nào triết lý sống: Hạnh phúc là khi biết nâng niu, trân trọng những gì mình đang có!

*

- Khuya rồi, sao còn ngồi đây, cô bé? Chắc lại nhớ “nửa kia” không ngủ được à?

Tôi giật mình nhận ra anh Thanh - người vừa quen chiều nay lúc ra suối kín nước, nên khẽ mỉm cười chào lại. Anh Thanh quê ở Bắc Ninh, lên đây công tác đã 5 năm. Hồi mới lên, dẫu đã lường trước sự vất vả, anh vẫn bất ngờ trước thực tế. Những con đường dốc thẳng đứng, những góc cua ngoằn ngoèo đã để lại trên cơ thể anh không ít vết sẹo. Đã nhiều đêm anh ngồi đốt thuốc, trầm ngâm với những suy tư, toan tính. Nhưng sau quen dần, gắn bó với mảnh đất này, với dân bản có cái gì đó vô hình mà thiêng liêng lắm, nó ngấm sâu vào máu thịt, níu giữ mình ở lại, anh Thanh kể cho tôi nghe.

- Thế anh định ở đây suốt đời sao?- Tôi căn vặn

Thanh gật đầu. “Bố mẹ anh mất trong một tai nạn giao thông lúc anh chưa đầy ba tuổi. Anh lớn lên trong sự đùm bọc, chở che của trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tỉnh. Sáu năm nơi giảng đường Đại học Y là quãng thời gian anh lăn lộn vừa học vừa kiếm sống vừa gồng mình lên chống chọi với những cám dỗ, sa ngã, buông xuôi. Mảnh đất này sẽ là quê hương thứ hai của anh…

Tôi thao thức. Chưa bao giờ tôi cố gắng trả lời câu hỏi tại sao, cũng chưa bao giờ tự thử cắt nghĩa tâm trạng mình một cách rành mạch. Mọi người vẫn tán dương tôi, cô thiếu nữ mảnh mai, xinh đẹp, từ bỏ những cơ hội việc làm tốt ở chốn thành đô hào hoa, tráng lệ, tình nguyện xách vali lên vùng cao dạy học. Các tỉnh khác về đây công tác vẫn có nhưng Hà Nội thì quả là hiếm hoi…

Ai ngờ tôi đang chạy trốn chính mình. Ai thấu sự trống trải, cô đơn của lòng tôi?…

*

Trang nhật ký dở dang, đôi chỗ nhòe dấu lệ. Nước mắt đâu có rửa hết mọi ưu phiền. Ký ức đã qua nhưng vẫn còn nhức nhối nơi sâu thẳm trái tim. Trung ơi! Giờ này anh đang làm gì? Tôi thầm gọi rồi lại tự xỉ vả mình nhu nhược, yếu mềm, đã bảo vùi chôn tất cả vào dĩ vãng mà vẫn cứ đau đáu nhớ thương. Mà lẽ ra tôi không nên trách Trung. Cuộc sống đô thị náo nhiệt, xô bồ thế cuốn trôi Trung của tôi - chàng trai hiền lành, nhân hậu thành kẻ ham danh lợi, sẵn sàng dùng hôn nhân làm bàn đạp tiến thân cũng là điều dễ hiểu. Tôi đã không sát cánh bên anh lúc anh cần bởi lòng tự kiêu con gái: anh chẳng thể kiếm được ai hơn tôi. Để rồi ngày Trung và “người ta” lên xe hoa, mắt tôi ráo hoảnh nhìn vào nơi vô định. Người ta bảo đau đớn nhất là khi nước mắt không tuôn ra được mà lặn vào trong…

Tôi cầm bức thư Trung gửi lần cuối, lòng quặn thắt khi đối diện với câu trích dẫn từ “Một chuyện đùa” của nhà văn Sêkhôp - truyện ngắn mà cả tôi và Trung đều thích: “Uống rượu từ bình nào có đáng bận tâm gì, chỉ cốt sao được say”. Trung bảo, điều cốt yếu với anh bây giờ là có một sự nghiệp ổn định, có đường tiến thân vững chắc và quan trọng là có tiền nữa, còn tất cả những thứ khác anh không quan tâm.

Bởi vậy, anh chấp nhận đánh đổi bằng cả cuộc đời mình sao Trung?

*

Học sinh của tôi đủ mọi lứa tuổi. Thậm chí có người còn ngang tuổi tôi, nhưng tất cả đều háo hức “muốn biết cái chữ” và “văn minh vùng xuôi”. Sau giờ lên lớp, các em thường yêu cầu tôi kể chuyện về nếp sống, cách sinh hoạt cũng như những danh lam thắng cảnh ở Hà thành. Mọi người mang đến biếu tôi đủ thứ “cây nhà lá vườn” như: sắn, chuối, măng rừng… Riêng có cỏ mật là chẳng ai biết tôi đang dần yêu đến nao lòng. Những ngày cuối tuần, tôi thường ngắt một ít cắm vào chiếc bình trên bàn làm việc và cả nấu nước gội đầu, chăm sóc mái tóc dài suôn thẳng mà từ trước đến nay luôn là niềm tự hào của tôi. Những tối thứ bảy tôi thường thức khuya hơn, ngồi lặng trong bóng tối nhấm nháp mùi hương quen thuộc. Làm như thế để làm gì chính tôi cũng không biết nữa…

Thời sinh viên, những chiều cuối tuần, tôi và Trung thường chở nhau ra bãi sông ngoại thành rồi đợi khi màn đêm buông xuống hai đứa thi nhau đếm sao. Tôi thường nũng nịu bắt anh chỉ cho tôi dải Ngân hà với ông Thần nông mà ngày thơ ấu bà hay kể cho chị em tôi nghe. Những lúc như thế anh thường ghì xiết tôi vào lòng: “Anh chỉ biết có dải ngân hà này thôi” rồi khe khẽ hát: “Nỗi nhớ dâng đầy trong anh. Gương mặt em, nụ cười em, vòng ngực ấm. Tưởng như máu trong tim đông đặc, nỗi nhớ cứ dâng đầy, dâng đầy. Ôi chẳng có dòng sông, mặt biển nào ngăn cách mà sao anh không thể tới bên em…”. Tôi lắc đầu đưa tay che miệng Trung, trong lòng dấy lên một linh cảm xa xăm, mơ hồ…

Tôi ngồi tìm sao trong nỗi nhớ quay quắt. Sông Ngân hà chia cắt Ngưu lang-Chức nữ, lẽ nào lại tách biệt tôi và Trung? Mà không, chính tôi đã tự đánh mất tình yêu của mình. Trung ra trường phiêu dạt ở thành phố hai năm, nộp đơn xin việc hết công ty này đến công ty khác với hy vọng có việc làm ổn định và có tôi bên đời. Thế nhưng đến đâu anh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Vì mưu sinh anh chấp nhận xin vào làm cho một công ty tư nhân để chờ đợi cơ hội thật sự. Bố mẹ, anh chị tôi chẳng những không cảm thông, giúp đỡ Trung, trong khi mọi người hoàn toàn có khả năng tạo cho Trung một chỗ đứng ban đầu trong xã hội để vươn lên khẳng định bản thân mà còn khinh bỉ, lăng mạ Trung là đồ nhà quê “đũa mốc với mâm son”. Gia đình tôi kịch liệt phản đối tình yêu của chúng tôi, xoáy sâu vào nỗi mặc cảm, tự ti trong Trung. Vậy mà tôi chẳng dám lên tiếng bảo vệ mối tình đầu của mình hay ít ra cũng làm một việc gì đó dù chỉ là nâng đỡ Trung về mặt tinh thần. Thậm chí, đôi lúc chính tôi còn lung lay trước những tác động, còn hồ nghi tình cảm của Trung.

Cuộc đời Trung rẽ sang một trang khác, không có bóng dáng tôi…

*

Ngày hội truyền thống tưng bừng, rộn rã. Trưởng bản bắt tay, cảm ơn “những cán bộ dưới xuôi” đã đến với dân bản bằng lòng nhiệt tình và sự tận tâm. Tôi gặp rất nhiều thanh niên nam nữ cũng trạc tuổi tôi, đến từ các tỉnh đồng bằng và thâm niên sống ở đây có người lên tới 4-5 năm. Tôi ngỡ ngàng. Họ không lẩn tránh quá khứ hay bị ép buộc, thúc bách mà tình nguyện lên đây công tác. Mọi người rào rào vỗ tay cổ vũ ba đôi “cán bộ trẻ” nhập cuộc với trang phục và điệu múa truyền thống của dân bản. Tôi đọc được trong mắt họ ngọn lửa tình yêu nồng cháy. Phải chăng họ đã tìm thấy hạnh phúc thật sự của mình?

Trời khuya. Anh Thanh đưa tôi về. Cả hai lặng lẽ đi bên nhau. Hương cỏ mật như sương tỏa khắp. Có hai người ngồi bên gốc cây cổ thụ, cô gái ngả đầu vào vai chàng trai, giống “ngày xưa” quá. Trung đã từng ngỏ ý đưa tôi về Hòa Bình quê anh - miền đất còn bộn bề khó khăn ấy đã và đang rất cần những người trẻ như chúng tôi. Tôi im lặng. Cái lặng im đủ để anh đọc được lời từ chối trong đáy mắt. Có lẽ tôi chưa đủ nhân hậu để hiểu chính mình, để đồng cảm với những số phận khốn khó. Tôi chưa đủ tình yêu để vượt qua mọi trở lực trong đời.

Cỏ mật vẫn dịu dàng tỏa hương đêm đêm. Và từ sâu thẳm lòng tôi vọng câu hát một thời sinh viên tôi hay ngân nga: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”…