Con chim quý sông La

NDO -

Tự thân vận động tài trợ để thực hiện chương trình "Khát vọng âm nhạc", cũng là mơ ước mãnh liệt của chị,  ca sĩ Vành Khuyên trở thành nghệ sĩ opéra trẻ nhất trong lịch sử loại hình âm nhạc này ở Việt Nam làm liveshow.

Con chim quý sông La

Bữa tiệc âm nhạc càng sang hơn với tinh thần dâng hiến: toàn bộ khán giả được mời thưởng thức.  Ca sĩ Vành Khuyên cùng các nghệ sĩ opéra và dàn nhạc giao hưởng (DNGH) của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã tạo nên buổi diễn cuốn hút và dư chấn.

Có câu ngạn ngữ phương Tây: "Nếu người ta không khẳng định được mình hoặc tạo được tác phẩm có dấu ấn trước 35 tuổi, thì khó có cơ hội nữa".

Tuổi trẻ, tình yêu âm nhạc hay truyền thống quê hương tài danh bền chí cho Vành Khuyên sức mạnh để dám "liều" và làm được sự kiện đáng trân trọng này?

Là tất cả sự lớn lao và bình dị ấy có trong đêm diễn của Vành Khuyên. Opéra vốn được các quốc gia có nền văn minh phát triển coi trọng nhất trong mọi dòng âm nhạc bởi độ khó, tính bác học, đòi hỏi thể hiện, kỹ thuật của ca sĩ. Ở Việt Nam, đất nước đang phát triển nông nghiệp là chủ yếu, nhạc nhẹ và dân ca phổ cập toàn dân, ca sĩ hai dòng nhạc này sống tốt bởi có "đất trổ giọng" và lượng công chúng lớn. Làm live show riêng lúc này, ca sĩ "đắt sô" còn ngại; làm đêm cổ điển càng tốn kém. Thế mà, người làm được đêm opéra riêng ấy, lại là một ca sĩ xuất thân tỉnh lẻ, nhà nghèo, đã lưu vào lòng giới mộ điệu và người yêu nhạc cổ điển, một giọng ca đẹp.

Lê Thị Vành Khuyên, sinh trưởng tại làng gốm Cẩm Trang, xã Ðức Giang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Năng khiếu bẩm sinh mạnh mẽ khiến Vành Khuyên vượt trội lên, từ nhỏ, chị đã say mê ca hát, là cây văn nghệ suốt thời học phổ thông. Vành Khuyên xong trung cấp thanh nhạc tại tỉnh, về Hà Nội thi đỗ lớp hợp xướng (HX) của VNOB, học hai năm rồi theo tiếp Ðại học Thanh nhạc, tại Nhạc viện Hà Nội. Chị là học trò của NGƯT Hồ Mộ La (con gái chí sĩ Hồ Học Lãm, người làng Quỳnh, xứ Nghệ), NSƯT Ngọc Lan, Mai Tuyết và chính thức là ca sĩ solo của VNOB từ 2003. Lớp HX 40 người, chỉ còn lại 10 và đến nay trống vắng thế hệ nối tiếp. Những vở nhạc kịch lớn, phải tập ròng rã 1 - 2 tháng, chế độ Nhà nước chỉ cho 20.000 đồng/buổi tập, dù là hát chính hay đứng trong dàn HX. Vật giá leo thang, mọi giá cả thay đổi, bồi dưỡng cho ca sĩ vẫn quá thấp, không đủ sống, mà hơn 20 năm nay, dù có ngàn lần kiến nghị, sao chưa thay đổi?! Hát opéra nhọc mệt, tập nặng, lại phải học thuộc lời bằng tiếng Pháp, I-ta-li-a, Ðức; số tiền nhận được rẻ mạt, bọt bèo khiến các ca sĩ, nhạc công dù không muốn cũng thấy tủi phận, khi giá trị đảo lộn thái quá. Thực tế: ca sĩ nhạc nhẹ hét giá vài chục triệu cho 2 - 3 bài hát, bằng tiền bồi dưỡng cho cả Nhà hát tập một tháng.

Vành Khuyên, đi xe máy Wave cũ, ở nhà thuê bên Bồ Ðề, Long Biên, vẫn cứ chắt chiu, dồn góp tiền bạc cho âm nhạc.

Mốc son sự nghiệp của ca sĩ sinh năm 1979 này là giải ba Cuộc thi hát Thính phòng nhạc kịch toàn quốc lần 4 (2009). Chị đã hát aria Sức mạnh số phận từ nhạc kịch La Bohème và ở phần dân ca, chị chọn điệu ví quê nhà: ví giận thương.

Trước đó, chị đã đem giọng hát tới Liên hoan Nhạc kịch Nhiếp Nhĩ (Côn Minh, Trung Quốc, 2004) và diễn tại nhiều  Nhà hát Thụy Ðiển năm 2006. Năm 2011, Vành Khuyên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Dù gánh nhiều vất vả, trước khi lên  sân khấu, Vành Khuyên luôn ý thức chuẩn bị hình ảnh đẹp nhất, dồn hết sinh lực và đam mê để hát.

Sống tại Thủ đô, Vành Khuyên không khi nào nguôi nhớ quê, mẹ già 77 tuổi sống một mình trong ngôi nhà cũ với khu vườn cây trái. Ðồng lương eo hẹp, opéra kén người nghe, không biết khi nào Khuyên mới có ngôi nhà của mình? Nhưng Vành Khuyên vẫn hát, hát là cuộc sống của chị và sứ mệnh của ca sĩ là hiến dâng giọng hát, những gì tốt đẹp khi biểu diễn cho mọi người.