Cộng đồng người Việt ở Czech và châu Âu thường gọi ông Trần Văn Thắng bằng cái tên “Thắng ngổ”. Biệt danh đó phần nào thể hiện phẩm cách của ông. Chơi ngông, phát ngôn ngông, nhưng đã làm thì tâm huyết miệt mài, luôn lạc quan hướng đến lối tư duy tích cực, khát khao những sản phẩm làm ra phải “đỉnh” và vì cộng đồng. Gần sáu mươi năm cuộc đời, giờ đây câu chuyện của ông là trải nghiệm sống, làm việc, cống hiến, hưởng thụ… Những thứ tị hiềm ganh ghét dường như ở bên lề cuộc sống của ông.
Sống ở Cheb 35 năm có lẻ, ông tự hào cho biết, thành phố ông đang sống có lịch sử nấu bia truyền thống. Được uống bia ngon gần như là một đặc ân của cuộc đời ông từ ngày bén duyên với xứ sở này. Là người Việt Nam đầu tiên có công “phục sinh” một thương hiệu bia tươi truyền thống của Cheb có tuổi hơn 700 năm: Chebbier đối với ông, là một câu chuyện, một hành trình dài chông gai thử thách nhưng đầy thi vị…
![]() |
Ông Dymáček luôn tự hào là người tự tay ngâm ủ, chưng cất bia Chebbier ở Việt Nam.
“Thắng ngổ” bỗ bã: “Đời tôi chỉ biết nấu cám lợn, chứ làm sao mà nấu được bia! Ấy thế mà cuộc đời bắt nguồn từ ý chí, mơ ước và đã có những ngã rẽ thật bất ngờ”.
“Thắng ngổ” nung nấu khát vọng sở hữu và một dây chuyền nấu ủ bia theo cách truyền thống, ngay tại mảnh đất thiên đường bia châu Âu. Và ông đã làm được. Bởi ông đã sở hữu trong tay Jiří Dymáček- một trong những chuyên gia nấu bia hàng đầu xứ Cheb; Jiří Dymáček học chuyên ngành công nghệ vi sinh và lên men ở trường dạy nghề Ceské Budejovice, kế đó tiếp tục học kỹ thuật lên men và chưng cất bia tại công ty Beer Budweiser (Mỹ). Dymáček là người kế nghiệp đời thứ 5 của dòng họ chuyên nấu ủ bia truyền thống và từng nhận nhiều giải thưởng danh giá của thành phố Cheb.
Năm 2012, Chebbier “phục sinh” tại Cộng hòa Czech và được chính quyền cho mang tên thành phố làm thương hiệu cho dòng bia này. Giới sành bia cho rằng, Chebbier là dòng bia tươi để lại dấu ấn khó phai. Nhận lời cộng tác “Thắng ngổ”, Dymáček đòi hỏi tự tay chọn lựa nguyên liệu. Đó là thứ đại mạch thuần chủng, hảo hạng được trồng ở vùng cao nguyên phía tây bắc, giáp biên giới Đức. Nảy mầm trong tầm ba ngày thì mạch nha được đưa vào dây chuyền ngâm, ủ, lên men, rồi đưa vào sấy bằng than cốc. Từ đó cho ra dòng chảy sóng sánh không ngừng của các dòng bia vàng, bia đen mang tên Chebbier. “Thắng ngổ” giải thích: “Bia vàng Chebbier có tỷ lệ hoa bia (houblon) nhiều hơn với hương vị đặc trưng truyền thống. Còn Chebbier bia đen có tám loại lúa mạch. Trong khi các loại bia tươi khác tại Việt Nam thường chỉ ủ dưới một tháng thì ở Chebbier, quá trình này kéo dài hai đến ba tháng, tùy thuộc vào quá trình sinh trưởng của con men sống trong Chebbier. Với nhiệt độ duy trì ở mức 4 - 6°C, con men sống đòi hỏi nhiều calo hơn là các loại bia khác và chuyển hóa thành nhiều chất chống ôxy hóa từ lúa mạch một cách tự nhiên. Chính đặc điểm này tạo sự khác biệt về tính chất sản phẩm: bia đen Chebbier có chất đạm cao hơn trong khi bia vàng gold Chebbier chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, vừa tạo hương vị đậm đà đặc trưng khó quên”. Là người có tầm nhìn xa, “Thắng ngổ” đã đầu tư mua nhiều ha đất để trồng lúa mạch làm nguồn nguyên liệu phát triển cho dòng bia này tại Việt Nam.
Hỏi vui, ông có thể tiết lộ bí quyết nào để “dụ” Dymáček về với mình. Giọng cười hỉ hả đặc trưng của “Thắng ngổ” khiến câu chuyện càng trở nên thú vị: “Đúng là tôi đã vạch hẳn chiến thuật “chiêu mộ” Dymáček? Dụ tay nấu bia bản xứ cự phách theo tôi về Việt Nam tự tay ngâm ủ, chưng cất bia tươi Tiệp, quả thực còn là cơ duyên. Cho đến hôm nay, Dymáček luôn tự hào về sản phẩm của mình, hỉ hả phấn khích theo đuổi sự nghiệp cùng tôi. Số là lúc tôi đang bế tắc vì mọi thứ cơ sở hạ tầng, nhà xưởng đã sẵn sàng, mà chưa tìm được chuyên gia nấu bia ưng ý. Khi đó tôi thổ lộ, một người bạn Czech ở thành phố Cheb lúc đó cho tôi số điện thoại của Dymáček, kèm theo lời dặn dò kỹ lưỡng xen chút băn khoăn: Vị này rất khó tính, số điện thoại đấy, còn tiếp cận như thế nào là việc của ông”.
Suy tính suốt đêm, “Thắng ngổ” gọi cho Dymáček, rằng có lời nhờ ông đi uống bia để thẩm định chất lượng, rằng mình đang ấp ủ dự án nhập bia về quê nhà. “Thắng ngổ” tự lái xe đến đón Dymáček và không quên mang theo quà của mẹ anh gửi từ Việt Nam sang biếu mẹ ông ta. Phấn chấn xúc động, Dymáček nhiệt tình uống thử, liên tục chê, rồi quả quyết khoe, rằng Dymáček nấu ngon hơn nhiều. “Thắng ngổ” làm như tiện thể, dò hỏi, rằng tôi có đất, có nhà xưởng, có tiền đầu tư, ông có bí quyết nấu bia, tôi chia 50% lợi nhuận liệu ông có nhận lời cộng tác? Dymáček hoài nghi và ngạc nhiên. Ông có điên không mà cho tôi hưởng đến vậy! “Thắng ngổ” quả quyết: Chuyện thật là như vậy đấy ông! Kế đó cả hai cùng đến trụ sở hành chính của địa phương công chứng hợp đồng và phối hợp cộng tác. Ít lâu sau, nhà máy bia mi-ni đầu tiên của người Việt - Chebský Pivovar với công suất một nghìn lít/ngày, mức đầu tư hàng triệu korun do “Thắng ngổ” làm giám đốc - đã tưng bừng khai trương tại thành phố Cheb, giữa đất nước được mệnh danh là Vương quốc bia của Châu Âu. Với sự lành nghề, kỹ lưỡng tận tụy của Dymáček, Chebbier nhanh chóng trở thành thứ đồ uống yêu thích, được người bản xứ lựa chọn.
Và không chỉ dừng lại ở Czech, khát vọng mang dòng chảy bia về cho người Việt nung nấu trong Trần Thắng, nay đã thành hình. Cuối năm 2015, “Thắng ngổ” quyết định đưa dây chuyền bia Chebbier về nước. Bên cạnh một dây chuyền sản xuất với công nghệ và thiết bị hiện đại, nơi trưng bày và bước đầu giới thiệu dòng sản phẩm Chebbier tại số 2 phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) đang trở thành điểm đến của người đẳng cấp sành bia. Tại buổi khai trương giới thiệu Chebbier tại Hà Nội, 12 đại diện đại sứ ở châu Âu và châu Á đến tham dự. Ông Martin Klepetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Czech tại Việt Nam tỏ ra bất ngờ, hào hứng khi thưởng thức loại bia tươi ngon mang đậm hương vị quê hương ông ngay tại Việt Nam.
“Thắng ngổ” rất tự tin dấn thân vào lãnh địa mới mẻ với trái tim tràn đầy nhiệt huyết... Ông tâm sự: “Ngay tại Czech có tới 138 nhà máy bia với các dòng bia khác nhau, nhưng Chebbier được đánh giá cao và ưa chuộng ở một số nước châu Âu. Nay người Việt ta có cơ hội tận hưởng một hương vị bia chất lượng đỉnh cao và đem lại hứng khởi. Thật là may mắn với tôi!”.