Chuyên nghiệp, bắt đầu từ diện mạo…

Năm 2022, Bảo tàng Quảng Ninh đón 686.713 lượt khách, doanh thu gần 16 tỷ đồng. Trong ba tháng đầu năm 2023, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Thay vì đợi công chúng đến với mình, nhiều bảo tàng đã chủ động tìm tới công chúng... Đây thật sự là những chỉ dấu thay đổi hết sức tích cực từ nhiều bảo tàng địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian trưng bày cố định tại Bảo tàng Hà Giang sau khi được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Văn Bắc
Không gian trưng bày cố định tại Bảo tàng Hà Giang sau khi được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Văn Bắc

Phá vỡ nếp cũ

Từ sau khi có Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 (theo Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ) đến nay, đã có ít nhất 16 bảo tàng được đầu tư xây dựng mới trong tổng số 35 đơn vị bảo tàng cấp tỉnh chưa có tòa nhà bảo tàng tại thời điểm ban hành Quy hoạch. Trong số này, một số bảo tàng đã đi vào hoạt động khá thành công, như Bảo tàng Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Bên cạnh việc kết nối các nhà trường phổ thông và công ty du lịch lữ hành để đưa bảo tàng vào danh mục điểm đến, nhiều bảo tàng địa phương còn rất tích cực trong việc cải tiến nội dung trên kênh truyền thông trực tuyến, làm gia tăng khả năng kết nối với công chúng, nhất là công chúng trẻ. Đó là website với bảo tàng ảo bên cạnh đa dạng tệp thông tin về hoạt động và hiện vật tại bảo tàng, trang facebook với các hình ảnh, video clip xinh xắn, nội dung thông tin ngắn gọn, hấp dẫn. Một thí dụ thú vị: Trang thông tin trực tuyến song ngữ của Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu có tới hơn 6,8 triệu lượt truy cập, kể từ khi ra đời cùng với thời gian chính thức mở cửa bảo tàng, tháng 7/2020, con số đáng kể đối với một bảo tàng địa phương ở Việt Nam.

Song hành với đó, nhiều bảo tàng tăng cường hợp tác nghiên cứu trưng bày chuyên đề để vừa học hỏi về nghiệp vụ chuyên môn vừa làm phong phú thêm các hoạt động. Dịp Tết Quý Mão vừa qua, Bảo tàng Bắc Ninh phối hợp Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực hiện chương trình Sắc thái văn hóa Bắc Ninh, thu hút hơn 10 nghìn lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Trong tháng 1/2023, Bảo tàng tỉnh Nam Định lần đầu phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia Khu vực I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) thực hiện trưng bày Dấu ấn Thành Nam, được PGS, TS Nguyễn Văn Huy đánh giá là "khá ngoạn mục". Theo ông, trưng bày này đã phá vỡ nếp quen cũ về sự đơn điệu của trưng bày bảo tàng lâu nay. "Trưng bày tạo ra một cảm xúc và hấp dẫn đặc biệt nhờ những ý tưởng mới mẻ về thiết kế không gian trưng bày và các thành tố đồ họa" - PGS,TS Nguyễn Văn Huy nhận xét.

Thay đổi cả tư duy và công nghệ

Bảo tàng tỉnh Hà Giang đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục cuối cùng trong dự án nâng cấp, cải tạo bảo tàng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 100 tỷ đồng. Điều đặc biệt đối với một bảo tàng địa phương ở một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn là sự mạnh dạn đổi mới trưng bày nhằm tái khẳng định: Bảo tàng là thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng của địa phương đồng thời là điểm đến không thể thiếu của du khách khi tới Hà Giang.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Giang Bùi Đức Tân, để phát huy hiệu quả cao nhất của trưng bày mới này, một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng là tiếp tục tăng cường phối hợp các cơ quan, ban, ngành trong toàn tỉnh để lồng ghép giới thiệu, tuyên truyền về Bảo tàng và tổ chức trưng bày lưu động tới vùng sâu, vùng xa. "Giới thiệu những di sản văn hóa, tư liệu hình ảnh về các dân tộc đang được trưng bày tại bảo tàng để cộng đồng hiểu thêm về công tác bảo tàng, về di sản. Từ đó, mỗi đồng bào thêm chủ động trong công tác bảo vệ di sản và sẽ quan tâm, hứng thú đến thăm bảo tàng khi có dịp về thành phố Hà Giang" - ông Tân nhấn mạnh. Bảo tàng cũng đã và đang xây dựng các kênh truyền thông trực tuyến về hoạt động của mình. Với công nghệ phủ sóng điện thoại như hiện nay, người dân vùng sâu, vùng xa cũng như du khách trong và ngoài nước có thể tiếp cận thông tin về bảo tàng một cách dễ dàng.

Được biết, nhiều bảo tàng địa phương khác trong cả nước cũng đã và đang hợp tác với chuyên gia nước ngoài để xây dựng kế hoạch đổi mới trưng bày. Có thể nói, việc thay đổi diện mạo và cách thức, nội dung trưng bày bảo tàng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại mới là bước đầu trong công cuộc tái định vị bảo tàng trong đời sống văn hóa xã hội hôm nay. Từ đó, thúc đẩy nhiều thay đổi tích cực và đồng bộ khác trong hoạt động bảo tàng, như chất lượng nguồn nhân lực, phương thức kết nối, giao tiếp với công chúng, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu chuyên môn để có các trưng bày chuyên đề hấp dẫn, phù hợp...