- Năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, chuỗi sản xuất ở nhiều nơi bị đứt gãy. Ở góc độ chuyên môn của mình, các ông/bà có thể rút ra kinh nghiệm gì?
- PGS, TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta đã thấy hàng trăm nghìn người lao động đã rời các đô thị lớn về quê. Việc đứt gãy chuỗi sản xuất đã xảy ra rồi. Những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động gặp muôn vàn khó khăn trong thiếu hụt lao động. Để bảo đảm nguồn lao động, các doanh nghiệp có thể kêu gọi người lao động quay trở lại hoặc tuyển lao động mới, nhưng cần có biện pháp hỗ trợ thiết thực như tiền vé tàu, xe...
"Từ ngày 1/10/2021, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 sẽ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Như thế, doanh nghiệp cũng nên có thêm sự hỗ trợ trước mắt lo cho công nhân cái Tết đầm ấm hơn".
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính
Để hóa giải nỗi lo lắng về dịch bệnh, doanh nghiệp cần bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Cũng như cần có chính sách ưu tiên tiêm vaccine mũi hai, ba cho người lao động trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, và hoạt động trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Nên tận dụng hợp lý quỹ đào tạo của công đoàn. Muốn vậy, công đoàn các cấp, nhất là các địa phương phải tổ chức hoạt động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động thật tốt. Nếu không phát huy tốt nhất vai trò của mình, các cấp công đoàn sẽ có lỗi với người lao động.
- Ông Vũ Minh Tiến: Nhiều năm trước, luôn luôn có hai luồng di chuyển lao động. Một là, người dân ở các vùng nông thôn di chuyển ra thành phố. Hai là, công nhân trong khu công nghiệp chuyển ra ngoài làm việc khác, như đi kinh doanh, chạy xe công nghệ… Nhưng sáu tháng cuối năm 2021, chỉ có một luồng di chuyển, bỏ thành phố về quê, tức là người ta bắt buộc phải rời khu công nghiệp, thành phố.
Theo tôi, đến 90% số lao động vừa qua rời khu công nghiệp đều mong được quay trở lại làm. Nhưng họ có ba điều cần được an tâm: Thứ nhất, muốn môi trường làm việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Thứ hai, muốn nhận được cam kết cụ thể từ doanh nghiệp về việc làm, chế độ đãi ngộ đủ để công nhân có thể sống được. Thứ ba là nơi gửi con nhỏ. Nếu giải quyết tốt ba điều này, thị trường lao động sẽ tự điều tiết, tránh đứt gãy nguồn lao động.
- Bà Nguyễn Thanh Hương: Theo ManpowerGroup Việt Nam, dịch bệnh đã đặt ra yêu cầu nâng cao "đề kháng" cho cả doanh nghiệp và người lao động về lâu dài, và cần có sự chung tay của cả ba bên: chính quyền-doanh nghiệp-người lao động. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp cần nâng cao tính linh hoạt, thích nghi của tổ chức mình thông qua việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất; có kế hoạch làm việc linh hoạt phù hợp nhiều kịch bản khác nhau, nâng cao kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm của người lao động... Đặc biệt, với tinh thần "người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp", doanh nghiệp cần bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho công nhân, duy trì môi trường làm việc an toàn, chăm lo đầy đủ về phúc lợi, sức khỏe thể chất và tinh thần, từ đó giúp họ an tâm và sẵn sàng gắn bó lâu dài.
- Không phải đến khi đứt gãy chuỗi sản xuất, chúng ta mới nói về việc cần phải gia tăng tính bền vững thị trường lao động. Cần làm gì để rút ngắn khoảng cách giữa xây dựng và thực thi chính sách?
- PGS, TS Đinh Trọng Thịnh: Đó là một trong những bài toán lớn mà chúng ta loay hoay mãi. Trước nhất cần quy hoạch các khu công nghiệp sao cho khoa học, có tầm nhìn dài hạn cả trăm năm. Phải trả lời câu hỏi, làm sao để tối ưu hóa việc sống, sinh hoạt và làm việc cho công nhân. Chẳng hạn, ở các địa phương cần quy hoạch các trục công nghiệp thông thoáng, bảo đảm tính kết nối, có các công trình dân sinh, thiết chế văn hóa như trường học cho trẻ em, công viên, chỗ chơi thể thao cho người lao động. Thêm nữa, phải tính toán các khu đô thị sát với khu công nghiệp và đặt trong sự phát triển chung của các vùng kinh tế, có tính kết nối cao để tận dụng lợi thế về nguồn lao động, tạo ra các chuỗi sản xuất liên hoàn, thuận lợi trong vận chuyển. Thật ra, chúng ta đã có những thí điểm phát triển khu đô thị trong các khu công nghiệp, nhưng mới chỉ là các dự án manh mún ở một vài nơi.
Một vấn đề khác là đào tạo và đào tạo lại tay nghề, công nghệ kỹ thuật cho công nhân. Chúng ta đã có nhiều quỹ dành cho đào tạo và đào tạo lại lao động. Nhưng trong những năm qua quỹ này chưa hoàn thành trách nhiệm. Quỹ tồn quá nhiều thì chứng tỏ là không có hoặc có rất ít hoạt động đào tạo lại.
- Ông Vũ Minh Tiến: Qua đại dịch chúng ta thấy, cần đưa nhà máy, khu công nghiệp về nơi có nguồn lao động dồi dào, tức là các địa phương, để "đón đầu" nguồn nhân lực. Rồi mấy chục năm qua, chuyện nhà ở, xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp trở nên rất bức thiết. Chúng ta đã bàn rất nhiều nhưng tiến triển không bao nhiêu. Dịch bệnh là một cú huých để thay đổi cách bố trí khu công nghiệp, xây dựng nhà ở và xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động. Bởi thế, về lâu dài, chúng ta phải giải quyết vấn đề cuộc sống, vấn đề con người. Chăm lo cho người lao động không chỉ chăm chăm vào tiền lương, mà là cuộc sống rất đời thường.
"Năm nay, các cấp dự kiến dành khoảng 2.400 tỷ đồng, tương ứng khoảng tám triệu phần quà Tết cho đoàn viên công đoàn khó khăn. Với những người lao động về quê ăn đoàn viên, chúng tôi cũng động viên để họ sớm quay trở lại lao động sau kỳ nghỉ. Giúp doanh nghiệp tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đi vào sản xuất sớm là việc vô cùng thiết thực".
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn-Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Bà Nguyễn Thanh Hương: Trong bối cảnh việc làm của cả thế giới không ngừng thay đổi, vấn đề xây dựng tính bền vững cho thị trường lao động đã được nhắc đến từ lâu và đang ngày càng trở nên cấp thiết. Trong nỗ lực đó, nhiều chính sách hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động đã được xây dựng và triển khai, nhưng thực tế lại chưa thu được nhiều kết quả. Người làm chính sách cần lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia và nhất là doanh nghiệp, như một điều kiện tiên quyết để xây dựng chính sách sát với thực tiễn, phù hợp các tình huống đặc thù của người lao động và doanh nghiệp thuộc nhiều môi trường kinh doanh khác nhau.
"Theo nhà đầu tư nước ngoài, lao động Việt Nam được đánh giá cao ở đức tính cần cù, chăm chỉ, tuy nhiên khả năng thích nghi, ứng phó các tình huống và hoàn cảnh bất lợi chưa cao. Doanh nghiệp cần nhận thức được vấn đề này và có kế hoạch giúp người lao động phát triển những kỹ năng cần thiết, sẵn sàng đối mặt những thách thức và khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai".
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc-ManpowerGroup Việt Nam
Việc thực thi những chính sách này nên được triển khai từng bước, có kế hoạch cụ thể và có sự tham gia, đồng lòng của các bên liên quan. Đặc biệt, sự phối hợp giữa nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo và định hướng lao động, kết nối và giúp lực lượng này tự tin, sẵn sàng trong thế giới việc làm tương lai.
- Xin cảm ơn các ông, bà!