Chủ động phòng chống thiên tai

Những trận mưa lũ vừa xảy ra trên địa bàn một số tỉnh miền núi phía bắc đã cho thấy nhiều yếu tố bất ngờ và cấp tập đáng lo ngại. Vẫn biết mưa lũ vùng cao trên một số địa bàn diễn ra rất nhanh, nhưng sự ảnh hưởng trên diện rộng, cùng lúc trên nhiều địa bàn, lại có những tác động mang tính dây chuyền giữa các khu vực, khiến chúng ta không thể không lo lắng trước về những đợt tàn phá dữ dội có khả năng tái diễn trong thời gian tới nếu công tác phòng, tránh không được chuẩn bị sớm, chủ động, kỹ càng.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tế phản ứng của các địa phương và lực lượng chức năng đã cho thấy sự khẩn trương, phân bổ cùng lúc trên nhiều mũi công tác, từ khắc phục sự cố sạt lở đường giao thông cho đến hỗ trợ dân di chuyển người và đồ đạc. Tiếp đó là tập trung dọn dẹp những ngổn ngang, bừa bộn sau mưa lũ. Ở đây, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng với con người, phương tiện, thiết bị được trang bị từ trước, một vấn đề rất quan trọng đối với các địa phương vẫn là trang bị kỹ năng, vật chất cho người dân để chủ động phòng chống khi mưa lũ xảy ra, sạt lở ập đến. Nhất là đồng bào ở những khu vực có nguy cơ cao như ven sông, chân núi, rìa đồi, nơi cấu tạo địa chất không bền vững, đất dễ lún sụt… Thậm chí ngay giữa một số đô thị vùng cao như hiện nay thì thực tế đã chứng minh người dân không hẳn đã an toàn khi bị ngập lụt cục bộ, nhiều nguy cơ chập điện, cây, cột đổ, nhà cũ ngấm nước và bị gió mạnh xô tạt trở nên không an toàn…

Điều này đòi hỏi một sự khẩn trương và chặt chẽ trong việc tổ chức hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, tránh, phát hiện dấu hiệu mất an toàn, xử lý những tình huống khẩn cấp, bất thường, những phương pháp gia cố nhà cửa, phương tiện, cách tìm và di chuyển đến nơi an toàn trong điều kiện đang xảy ra thiên tai. Cùng với đó, cơ quan chức năng, chính quyền sở tại cần tham gia tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho người dân hoặc vận động người dân chủ động trang bị sẵn vật dụng tối thiểu như áo phao, mũ bảo hiểm, xuồng, thuyền, dây rợ…, cũng như hình thành thói quen, phản xạ để sẵn sàng đối phó thiên tai, hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau.

Thời gian qua, các vụ hỏa hoạn xảy ra nhiều. Công tác phòng, chống cháy, nổ đang được xúc tiến triển khai, kiểm tra, như việc trang bị bình chữa cháy, mở lối thoát hiểm, lắp đặt hệ thống báo cháy hay các thiết bị sử dụng vật liệu chống cháy. Phòng ngừa “thủy tặc” cũng vậy, khi nó đang trở nên một loại thiên tai tổng hợp, mang tính “dây dẫn” cao giữa sông, suối, đất đá, đường sá… Việc hỗ trợ người dân cần được rà soát, thực hiện rộng khắp, thậm chí là xây dựng thành những quy định bắt buộc trong công tác chuẩn bị, trang bị, rèn luyện kỹ năng, tác phong. Như vậy mới mong giảm bớt những thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ, sạt lở vào những đợt cao điểm hoặc những sự cố bất ngờ, bất thường như vừa qua.