Cử tạ Việt Nam

Chinh phục mục tiêu mới

Sau năm 2022 gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng trên đấu trường quốc tế, đội tuyển cử tạ Việt Nam tiếp tục bước vào mục tiêu chinh phục năm 2023 đầy bận rộn. Từ bảo vệ SEA Games 32 tại Campuchia, đến phấn đấu có huy chương ở ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc), để làm bàn đạp chạy đà đến Olympic Paris 2024.
0:00 / 0:00
0:00

Tại SEA Games 31-2022, các đô cử của đoàn chủ nhà Việt Nam đã xuất sắc thiết lập 6 kỷ lục mới, giành tổng cộng 3 HCV, 4 HCB và 4 HCĐ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ khi cử tạ Thái Lan trở lại thi đấu mạnh mẽ sau bê bối doping, còn Indonesia và Philippines cũng đưa những đô cử ở đẳng cấp thế giới đến thi đấu. Những kỷ lục cho thấy sự nỗ lực hết mình của các VĐV trong điều kiện dịch bệnh, ít được cọ xát ở các giải đấu quốc tế.

Rồi khoảng 5 tháng sau đó, các thành viên chủ chốt của tuyển cử tạ Việt Nam như Lại Gia Thành, Hoàng Thị Duyên, Phan Thị Hồng Thanh cùng với nhiều các gương mặt trẻ khác đã thi đấu thành công và giành 9 HCV, 6 HCB, 1 HCĐ tại giải Vô địch cử tạ châu Á 2022 ở Bahrain. Đáng chú ý tại giải lần này là sự tỏa sáng của lực sĩ trẻ người dân tộc Thái Quàng Thị Tâm ở hạng 59 kg nữ. Cô gái quê Lào Cai đã gây bất ngờ bằng ba huy chương các loại: HCV cử giật (93 kg), HCĐ cử đẩy (115 kg), HCB tổng cử (208 kg). Tại SEA Games 31, Quàng Thị Tâm không tham gia tranh tài do mỗi quốc gia chỉ được phép đăng ký 1 VĐV thi đấu cho mỗi hạng cân và hạng 59 kg nữ đã có đô cử từng tham dự Olympic Hoàng Thị Duyên góp mặt.

Đến tháng 12/2022, sau khi kết thúc chuyến tập huấn dài ngày tại Thái Lan, tuyển cử tạ Việt Nam tham dự giải Vô địch cử tạ thế giới diễn ra tại Colombia. Đây là giải đấu có tính kết quả chuyên môn để xét suất Olympic 2024, vì vậy hầu hết những lực sĩ tốt nhất của các châu lục sẽ có mặt tranh tài. Tại giải này, theo ông Nguyễn Huy Hùng, phụ trách bộ môn cử tạ (Tổng cục Thể dục thể thao), các lực sĩ thi đấu nhắm tới những kết quả tốt nhất qua đó tính điểm cho đồng đội, hướng tới sự chuẩn bị dài hơi cho những giải đấu quốc tế trong năm 2023, để hy vọng có những suất trực tiếp dự Olympic vào năm 2024.

Việc Thạch Kim Tuấn không còn trên tuyển là một điều tiếc nuối, nhưng trong đội hình của cử tạ Việt Nam vẫn còn khá nhiều gương mặt sáng giá được trao kỳ vọng như Nguyễn Trần Anh Tuấn, Ngô Sơn Đỉnh, Khổng Mỹ Phượng, Trần Thị Mỹ Dung... Và đặc biệt là sự trở lại của cựu vô địch SEA Games Trịnh Văn Vinh sau 4 năm chính thức hết án bị cấm vì doping. Tại Cúp các câu lạc bộ toàn quốc 8/2022, Trịnh Văn Vinh đã đứng đầu ở hạng 61kg nam, nhưng chỉ tham gia theo diện kiểm tra thành tích bởi anh vẫn đang bị cấm thi đấu. Phải đến đầu năm 2023, đô cử này mới có thể chính thức trở lại đấu trường đỉnh cao.

Chinh phục mục tiêu mới ảnh 1

Là môn trọng điểm nhưng sức hút của cử tạ với các nhà tài trợ vẫn khá mờ nhạt. Ảnh | Hòa Nguyễn

Có một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, dù các lực sĩ của ta đứng trên đỉnh khu vực nhưng so với sân chơi ASIAD và Olympic vẫn còn khoảng cách rất xa. Hiện nay, cử tạ chỉ có 3 giải đấu ở cấp quốc gia trong 1 năm: Giải vô địch quốc gia, Giải vô địch các Câu lạc bộ quốc gia và giải đấu dành cho các VĐV trẻ. Những ai được gọi lên tuyển thì có cơ hội thi đấu thêm 2-3 giải đấu quốc tế mỗi năm ở cấp độ khu vực, châu lục hoặc thế giới. Quá ít sân chơi quốc gia khiến VĐV ở cấp địa phương không có nhiều dịp cọ xát, nâng cao trình độ, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển cử tạ ở địa phương.

Là môn trọng điểm, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển của thể thao Việt Nam, song sức hút của cử tạ với các nhà tài trợ vẫn khá mờ nhạt. Theo Báo cáo tài chính của Liên đoàn Cử tạ-Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ I (2015-2019) phần lớn nguồn thu của Liên đoàn đến từ hoạt động xã hội hóa trong môn thể hình, còn cử tạ không đáng kể, thậm chí giai đoạn 2018-2019 còn không ký được một hợp đồng tài trợ nào. Với cử tạ, thu nhập chủ yếu đến từ lệ phí thi đấu, các khóa đào tạo do Liên đoàn tổ chức, vì vậy đời sống của VĐV gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ tiền công tập luyện, tiền thưởng khi thi đấu, dẫn đến thành tích thi đấu không được như mong muốn.

Để “bơi ra biển lớn” là điều rất khó khăn với cả thể thao Việt Nam nói chung và môn cử tạ nói riêng, nếu không có kế hoạch, lộ trình bài bản. Với những vinh quang mang lại cho thể thao nước nhà, hy vọng sẽ có nhiều nguồn lực xã hội hóa để mở rộng các mô hình đào tạo, thu hút và phát triển các VĐV trẻ có triển vọng cho môn thể thao “gánh tạ” này.