Chạy đua với thời gian

Nỗ lực cứu hộ các nạn nhân trong trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển khu vực rộng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 đang ở giai đoạn nước rút. Các đội cứu hộ phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm hàng nghìn người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt.
0:00 / 0:00
0:00
Thổ Nhĩ Kỳ gấp rút triển khai các nỗ lực cứu hộ nạn nhân. Ảnh: JAPAN TIMES
Thổ Nhĩ Kỳ gấp rút triển khai các nỗ lực cứu hộ nạn nhân. Ảnh: JAPAN TIMES

Ngày 6/2, hai trận động đất liên tiếp mạnh 7,8 và 7,5 độ richter với tâm chấn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã làm rung chuyển một vùng rộng lớn ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria, làm sập toàn bộ các khu chung cư, phá hủy nhiều bệnh viện và khiến hàng nghìn người chết, bị thương và mất nhà cửa. Đã có 312 dư chấn được ghi nhận sau khi hai trận động đất xảy ra. Theo Reuters, tính đến hết ngày 8/2, số người thiệt mạng đã vượt 11.000 người.

Các đội tìm kiếm và cứu hộ đã lập tức triển khai tiếp cận những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập, với mục tiêu cứu hộ trong 72 giờ đầu tiên - là mốc thời gian quan trọng nhất. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng tại 10 tỉnh phía đông nam của nước này để đối phó thảm họa và dành khoản ngân sách 100 tỷ libra (tương đương 5,3 tỷ USD) khắc phục hậu quả trận động đất. Ước tính hơn 53.000 thành viên các nhóm cứu hộ đang làm việc trong những khu vực bị thảm họa.

Trong khi đó, tình hình cứu hộ tại Syria gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, hoạt động cứu trợ của LHQ từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tây bắc Syria rất phức tạp do nhiều tuyến đường bị hư hại và các vấn đề hậu cần khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo nhu cầu viện trợ nhân đạo đang ở mức độ cao nhất tại Syria - quốc gia vốn đang chật vật với xung đột vũ trang và dịch bệnh bùng phát.

Các chuyên gia nhận định, điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu trợ cho các vùng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cứu hộ vào ban đêm trong hoàn cảnh thiếu thốn phương tiện cũng như ít nhân viên cứu hộ rất hạn chế, nên các lực lượng chưa tiếp cận được những nơi đổ nát diện rộng. Việc hàng nghìn người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do động đất đã vượt quá năng lực cứu hộ, cứu nạn của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế cũng đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho hai nước.

Lực lượng cứu hộ trên khắp thế giới đã nhanh chóng được huy động tới các khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để trợ giúp. Đội cứu hộ quốc tế tham gia cùng đội địa phương để đẩy nhanh việc cứu người còn mắc kẹt, với nỗ lực cứu sống các nạn nhân và giải cứu càng sớm càng tốt. CNN dẫn thống kê cho hay, các đội y tế, đội tìm kiếm cứu hộ của hơn 30 quốc gia trên thế giới trong đó có Anh, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines… và nhiều nước khác đang gửi thiết bị, phương tiện cứu hộ, chó nghiệp vụ và hàng cứu trợ tới. Theo hãng tin TASS, nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả trận động đất, chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã công bố khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD cho hai quốc gia trên.

Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên vành đai động đất nối từ phía đông bắc Nhật Bản, đi qua Trung Quốc, Trung Á tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá khứ 120 năm kể từ năm 1900-2020, khu vực vành đai qua Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra rất nhiều động đất trong đó có 13 trận lớn có cường độ hơn bảy độ richter. Tuy nhiên, việc rung chấn liên tục trong một thời gian ngắn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, cùng với dự báo sắp có bão tuyết đi vào vùng mới xảy ra động đất.

Hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ vẫn đang tiến hành gấp rút, song cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết giá lạnh khắc nghiệt kèm mưa lớn. Nhiệt độ tại một số vùng động đất chỉ khoảng dưới 0oC trong vài ngày tới kèm theo lớp tuyết dày. Khi hạ tầng bị phá hủy, người dân không có nơi trú ngụ, mất điện và không có máy sưởi sẽ dẫn đến thảm họa chồng thảm họa.