Tác động của biến đổi khí hậu rất khó đoán định
Ngày 31/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ngành liên quan tới phòng, chống thiên tai, sạt lở. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thực tế gần đây cho thấy mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra ngày càng nghiêm trọng. Đây là tín hiệu không bình thường, vì thế Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác.
Nhận định về vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, vụ sạt lở này là một bài học mới, nguy cơ mới cần phải quyết liệt hơn và giải pháp tích cực hơn trong ứng phó với sạt lở đất. Vấn đề đặt ra là tỉnh Lâm Đồng đã có dự kiến di dời Trạm cảnh sát giao thông Mađaguôi (trên đèo Bảo Lộc, nơi xảy ra vụ sạt lở) vì có khả năng không an toàn. Song, tỉnh đã và đang tập trung di dời các điểm có nguy cơ cao hơn. Điều này cho thấy, mưa lũ, sạt lở đất do tác động của biến đổi khí hậu rất khó đoán định. Vì vậy theo ông Hiệp, câu chuyện phòng, chống sạt lở đất tới đây cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và bản đồ sạt lở cũng phải tính toán đầy đủ các yếu tố, đặc biệt về địa chất. Với điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay thì tất cả tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả. Quan trọng nhất hiện nay trong phòng, chống sạt lở là phải tôn trọng tự nhiên. Đây cũng là một trong nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm trong ứng phó với sạt lở đất.
Theo Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trước tình hình sạt lở gia tăng ở Lâm Đồng, tỉnh này (cũng như các địa phương có đồi núi) cần gấp rút rà soát lại các khu vực có nguy cơ trên toàn địa bàn. Bốn nhóm nguy cơ sạt lở gồm, khu vực có triền dốc, taluy cao; khu vực dốc nhưng không còn rừng để giữ đất; khu vực cheo leo nhưng lại xây dựng dưới chân đồi và khu vực thay đổi các kết cấu tự nhiên như bê-tông hóa, chặt cây nhưng thiếu hệ thống thoát nước.
Cần tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia, dù là một loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xảy ra, nhưng để dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy ra lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là bài toán khó không chỉ với Việt Nam mà cả các nước có công nghệ dự báo tiên tiến.
Vừa qua, đoàn chuyên gia Nhật Bản thuộc Công ty cổ phần địa chất Kawasaki, đến khảo sát một số điểm sạt lở đất ở Đà Lạt, đã đưa ra những khuyến cáo không chỉ với Đà Lạt mà nhiều địa phương vùng đồi núi có thể áp dụng. Dẫn vụ việc tương tự xảy ra ở Nhật Bản, chuyên gia Takami Kanno cho biết, năm 2011, một bãi đất trống ở thành phố Atami (tỉnh Shizuoka) không có điều gì bất thường. Qua hình ảnh vệ tinh, vào các năm 2017 và 2020, khu đất được bồi đắp thêm để vững chãi hơn. Thế nhưng đến tháng 7/2021, đất bồi đắp chảy tràn xuống khu dân cư đã gây thiệt hại lớn. Vị chuyên gia nhận định, những khu dân cư ở trên những vùng đất cao, phải bồi đắp để xây dựng tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra sạt lở. Ông đề xuất chính quyền các địa phương nên thiết lập bản đồ để kịp thời phát hiện sự cố. Cơ quan chức năng xây dựng quy chế ở các khu vực được phép đắp đất tạo mặt bằng xây dựng, song phải kiểm tra toàn bộ, thường xuyên tính an toàn. Cần lập hệ thống cảnh báo ở những khu vực khả năng xảy ra sạt lở để mọi người biết để kịp thời ứng phó, và quan trọng nhất, ở những khu vực đắp đất phải được kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm cùng với các giải pháp khắc phục.
Hiện tại, mưa lớn kéo dài vẫn xảy ra tại nhiều địa phương, gây ngập nặng ở đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết; nhiều nơi ở Tây Nguyên ngập lụt trong nước… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, các tỉnh miền trung như Quảng Ngãi và Quảng Nam là những nơi có nhiều điểm nguy cơ trượt lở nhất, sau đó là Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định. Sạt lở thường xảy ra khi sườn dốc bị sũng nước, thông thường sau các trận mưa lớn, kéo dài dầm dề. Đất đồi núi nói chung thường mang lẫn đá, sét, dễ bị bão hòa do có các khe mạch rỗng bên trong. Đặc biệt là những nơi không còn cây cổ thụ, thảm rừng nghèo, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Người dân sinh sống ở các khu vực chân đồi, núi, xây dựng các công trình tựa vào sườn đồi… có nguy cơ cao nhất bị sạt lở đất do kết cấu kháng lực của đồi đã bị phá vỡ phía chân. Khi mưa kéo dài, tốt nhất là nên di tản để tránh thiệt hại. Ông Văn lưu ý người dân, khi xảy ra mưa lớn, cần quan sát những thay đổi xảy ra chung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạt… Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển… là dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất, người dân cần tìm nơi trú ẩn.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, cũng đưa ra cảnh báo, với tình thế thời tiết cực đoan này người dân ở các vùng thấp trũng, ven sông ven suối, ven taluy âm và taluy dương, các khu phố nằm dưới các sườn đồi và con suối cần cảnh giác với ngập lụt, lũ ống, lũ quét. Đối với vùng thấp trũng cần kê cao đồ đạc, tính toán phương án sơ tán đến nhà cao tầng nếu thấy nước dâng cao nhanh. Đối với vùng ven sông, suối: Xác định chỗ đất cao xa bờ suối, xa taluy và trong trường hợp thấy nước đục mầu chảy về cùng đất đá, cành cây thì ngay lập tức sơ tán người để tránh lũ quét. "Cần lưu ý bà con sống ở miền núi và trung du rằng cứ thấy mưa liên tục ba ngày liền thì phải có đánh giá địa bàn của mình về nguy cơ sạt lở, lũ quét. Với chất lượng rừng bị giảm, chỉ sau hai ngày mưa là đất sũng nước và nhão ra. Nguy cơ sạt lở chờ chực từng giờ", ông Huy khuyến cáo.
Với tốc độ biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương cần tích hợp và điều chỉnh nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu để thích ứng và phòng tránh thiệt hại.