Cảnh quan đô thị, nhìn từ một con phố

Với 19 bức bích họa mang chủ đề “Ký ức về Hà Nội xưa”, con phố Phùng Hưng (Hà Nội) trầm mặc như được khoác lên mình tấm áo mới, đậm sắc màu nghệ thuật. Nhiều lượt du khách trong nước và quốc tế đã tìm đến nơi đây trong những ngày qua, bước đầu cho thấy thành công của định hướng phát triển những tác phẩm nghệ thuật công cộng thành điểm đến du lịch, đặc biệt khi sức hút của những vòm cầu bích họa lại được tạo nên từ phong vị xưa quyến rũ của đất Hà thành.

Phố bích họa được kỳ vọng trở thành điểm đến thú vị cho người Hà Nội và du khách.
Phố bích họa được kỳ vọng trở thành điểm đến thú vị cho người Hà Nội và du khách.

Đánh thức ký ức

Những bức bích họa do các họa sĩ Việt Nam, Hàn Quốc thực hiện, được giới chuyên môn đánh giá là đã tạo nên một không gian văn hóa công cộng nổi bật trong tổng thể diện mạo còn tẻ nhạt, thiếu thốn ở những không gian công cộng của Hà Nội.

Cận kề ngày ra mắt, diện mạo phố bích họa Phùng Hưng từng chút, từng chút một đã dần hoàn thiện, theo chủ đề xuyên suốt là tái hiện một Hà Nội xưa cũ. Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú với những góc hình chụp tương tác với hình ảnh ông đồ già bên “mực tàu giấy đỏ”, cạnh gánh hàng hoa rực rỡ đậm sắc xuân, những căn nhà cổ lưu giữ ký ức Hà Nội xưa, xích lô cổ và tàu điện chất chứa âm thanh leng keng từ quá khứ vọng về…

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho rằng, trong bối cảnh thiếu thốn những dự án nghệ thuật công cộng của Hà Nội thì con đường bích họa Phùng Hưng là ý tưởng cần triển khai nhân rộng. Giới nghề mỹ thuật lưu ý thêm, mặc dù đã sở hữu một số công trình nghệ thuật công cộng, điển hình như các bức tranh tường bằng gốm song những không gian mang tính thẩm mỹ cao, có tác dụng định hướng nghệ thuật cho công chúng vẫn chưa xuất hiện. So bó đũa chọn cột cờ thì dự án phố bích họa Phùng Hưng có thể xem như một thành công khi mang đến cho con phố vốn trầm mặc này những gam màu tươi sáng.

“Việc lựa chọn Phùng Hưng để triển khai dự án khu phố nghệ thuật tại Hà Nội không chỉ là ý tưởng để tạo dựng nên một không gian nghệ thuật mà thực tế, đó còn là sự phục hưng trở lại của đại lộ danh giá của Hà Nội xưa, khác với những điều mà lâu nay công chúng biết đến con phố này như một định danh phố cổ, chợ xe máy cũ hay nơi giao thương, buôn bán…”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.

Trần Hậu Yên Thế cũng đã dành nhiều nghiên cứu về những giai đoạn lịch sử, những biến thiên thăng trầm ở con phố rất đặc trưng này của Hà Nội. Thời Pháp thuộc, phố Phùng Hưng là đại lộ (Boulevard) Henri d’Orléans, tên con trai cả của Hoàng tử Robert, Công tước xứ Chartres. Việc người Pháp đặt tên thái tử Henri d’Orléans cho một đường phố Hà Nội cũng có lý do đặc biệt bởi những cống hiến và gắn bó của ông với Việt Nam. Sau năm 1945, đại lộ Henri d’Orléans được đổi tên thành phố Phùng Hưng.

“Lịch sử và những giá trị kiến trúc, nghệ thuật của con phố đã trở thành di sản vô giá của Hà Nội. Không ít tác phẩm nghệ thuật đã được các nghệ sĩ sáng tác, lấy cảm hứng từ những vòm cầu phía dưới chân đường sắt tàu hỏa chạy ngang qua con phố…”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết.

Phong vị xưa, điểm đến mới

Đây không phải là lần đầu các họa sĩ Hàn Quốc phối hợp với các họa sĩ Việt Nam thực hiện một dự án bích họa. Năm 2016, dự án Làng bích họa Quảng Nam hoàn thành đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần đem lại lợi nhuận kinh tế đáng kể cho địa phương.

Dự án “Bích họa phố Phùng Hưng” cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cảm xúc tươi mới khi đánh thức dòng chảy ký ức miên man của Hà Nội xưa. Điểm độc đáo của dự án này là các nghệ sĩ, nhà tư vấn nghệ thuật đã cố gắng thể hiện sự tương tác giữa những tác phẩm với công chúng. Nếu như Hà Nội đã có phố đi bộ Hồ Gươm là một không gian trải nghiệm lịch sử; phố đi bộ ở Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Gai là không gian thương mại, mua sắm thì đến nay, với những bức bích họa trên các vòm cầu, Phùng Hưng sẽ trở thành một điểm đến du lịch mới, một không gian nghệ thuật nhiều sức hút của Hà Nội.

Theo các chuyên gia, những dự án nghệ thuật công cộng đã từng được nhiều quốc gia xây dựng nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch. Với phố bích họa Phùng Hưng, có lẽ Hà Nội đang bắt đầu khởi động con đường khai phá tiềm năng du lịch từ sức sống của các không gian nghệ thuật công cộng. Theo TS Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc, đơn vị phối hợp triển khai dự án), phố bích họa Phùng Hưng với mong muốn không chỉ gìn giữ các di sản, làm đẹp không gian đô thị mà còn làm mới những nét đẹp đó, để chúng thật sự là những di sản sống, cùng đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân Hà Nội.

Chính vì những điều đặc biệt này mà ngay từ những ngày đầu, dự án đã được các nhà nghiên cứu mỹ thuật, kiến trúc cũng như dư luận hết sức quan tâm. Sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật khổ lớn, nhiều màu sắc đã thay thế các mảng tường xám xịt của những vòm cầu đá được xây dựng từ thời Pháp, vốn được khai thác làm nơi đỗ xe, bán hàng quán… Theo Giám đốc Mỹ thuật của dự án Lee Kong Jun, với chủ đề xuyên suốt là ký ức về Hà Nội, các họa sĩ Hàn Quốc đã cố gắng tái hiện lại một Hà Nội của cả quá khứ và hiện tại. Dãy phố nghệ thuật này cũng được chính các nghệ sĩ Hàn Quốc mong muốn sẽ trở thành một điểm tham quan nổi tiếng trong khu vực phố cổ Hoàn Kiếm.

Dù đã tạo ấn tượng ít nhiều trong đời sống văn hóa nghệ thuật thủ đô song các nhà chuyên môn cũng lưu ý, chất lượng thẩm mỹ của từng bức bích họa luôn cần được nâng cao nếu như Hà Nội còn có những dự án nghệ thuật công cộng tiếp theo. Sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật ở một con phố trung tâm không đơn thuần là làm đẹp, mà còn góp phần đưa nghệ thuật vào cuộc sống. Việc khắc họa ký ức Hà Nội tại con phố Phùng Hưng cũng được xem như sự thể hiện tinh thần đón nhận yếu tố hiện đại trên cơ sở truyền thống, mở ra hướng đi mới trong tạo dựng cảnh quan đô thị.