Lạng Sơn:

Cảnh báo mất an toàn khi dùng máy nông nghiệp

Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, trong bảy tháng đầu năm nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 60 trường hợp nhập viện cấp cứu do tai nạn lao động liên quan đến sử dụng máy nông nghiệp. Những trường hợp này đều do tai nạn khi đang sử dụng các loại máy trong sản xuất nông nghiệp như: máy cày, máy bừa, máy phay, máy cắt cỏ, máy thái rau lợn…
0:00 / 0:00
0:00
Người dân ở xã Thụy Hùng (Cao Lộc, Lạng Sơn) đưa máy cày vào phục vụ sản xuất.
Người dân ở xã Thụy Hùng (Cao Lộc, Lạng Sơn) đưa máy cày vào phục vụ sản xuất.

1/Đã ba tháng trôi qua, anh Hoàng Văn Thuyền, ở thôn Chợ Hoàng, Thượng Cường, Chi Lăng (Lạng Sơn) vẫn chưa khỏi bàng hoàng về tai nạn đã xảy ra với mình. Do chủ quan khi dùng máy cày để xới đất cày ruộng, anh bị cuốn vào lưới máy phay, bị vỡ xương mâm chày trái, đứt dây chằng chéo trước và sau đầu gối trái, gãy xương mác chân phải. Anh Thuyền cho biết: “Tôi lái máy cày đến ruộng, sau khi chuẩn bị xong các dụng cụ, tôi nổ máy nhưng quên về số mo. Nên khi máy nổ đã lao thẳng vào người, cán qua hai chân. Lúc đó tôi rất đau và hoảng sợ. Đây là bài học đắt giá mà tôi phải trả bằng sự thương tật của mình”.

Theo chỉ định của bác sĩ, anh Thuyền phải phẫu thuật các vết thương. Nhưng anh là lao động chính trong gia đình thuộc diện hộ nghèo có bố bị mù cả hai mắt, mẹ hết tuổi lao động lại ốm đau thường xuyên. Không có kinh phí điều trị, gia đình quyết định đưa anh Thuyền về nhà. Trong lúc khó khăn, anh được các cấp chính quyền, Hội Chữ thập đỏ các cấp quan tâm, kêu gọi vận động nguồn lực ủng hộ kinh phí để phẫu thuật các vết thương.

Cũng giống anh Thuyền, anh Lộc Văn Kiệm tại xã Quý Hòa, huyện Bình Gia cũng gặp tai nạn tương tự, bị thương rất nặng, hiện đang phải chữa trị tại Hà Nội. Hai trường hợp trên đều là lao động chính trong gia đình có gia cảnh hết sức khó khăn. Có thể phải mất một thời gian dài điều trị vết thương, mới có thể trở lại cuộc sống bình thường.

2/Những năm qua, thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cơ chế hỗ trợ bà con nông dân cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn. Nhờ đó đến nay, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước nâng lên. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng sử dụng máy móc, các vụ tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng gia tăng, để lại những thương tích nặng nề mà nguyên nhân chủ yếu từ sự chủ quan, lơ là trong tìm hiểu nguyên tắc, áp dụng vào thực tế vận hành máy móc của người sử dụng.

Anh Đào Duy Nghĩa, chủ cửa hàng Máy nông nghiệp Trung Xuân, TP Lạng Sơn cho biết: “Hiện nay, nông dân đang rất ưa chuộng mua các loại máy cày, máy phay nhỏ, nhẹ, khởi động dễ dàng hơn. Do đó, trước khi nổ máy bà con nên kiểm tra kỹ số máy, về số an toàn. Cùng với đó, sau khi làm xong mùa vụ thì nên rửa sạch sẽ và bôi dầu vào những chi tiết hay bị han gỉ. Đến mùa vụ sau bà con cũng cần kiểm tra, xiết chặt lại các con ốc bị lỏng để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra...”.

Các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, các cấp của tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm phối hợp mở các lớp đào tạo nghề sửa chữa các loại máy nông nghiệp, máy nông cụ; đồng thời, hướng dẫn quy trình sử dụng và bảo dưỡng các loại máy móc nông nghiệp đến thanh niên, hội viên nông dân… Tuy nhiên, do sự chủ quan, lơ là trong tìm hiểu các nguyên tắc về sử dụng máy móc nông nghiệp mà người dân vẫn làm theo thói quen dẫn đến tai nạn, gây ra hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy, trong thời gian tới cùng với việc phát huy ưu điểm, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, các cấp, ngành của tỉnh cần quan tâm hơn nữa đối với công tác tuyên truyền, tăng cường mở các lớp dạy nghề sửa chữa, hướng dẫn người dân sử dụng máy nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả. Một trong những điều kiện quan trọng trong sử dụng máy nông nghiệp là mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi sử dụng máy móc, tìm hiểu kỹ nguyên tắc vận hành, hoạt động trước khi sử dụng trong thực tế để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.