Căng thẳng leo thang

Ngày 24/2 ghi nhận cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba. Giao tranh thời gian qua đã khiến hàng nghìn người thương vong, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và rất nhiều cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện bị hư hại. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt giữa Nga và phương Tây ngày càng leo thang.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: SPECTATOR
Nguồn: SPECTATOR

Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) rạng sáng 24/2 đã nhóm họp phiên đặc biệt để thảo luận về tình hình xung đột Nga - Ukraine. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis đã bày tỏ quan ngại trước những thiệt hại và sự tàn phá ở Ukraine sau hai năm xung đột. Ông Francis nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine đang gây ra tác động trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực, giá năng lượng, đồng thời trở thành yếu tố quan trọng góp phần tái định hình bản đồ địa-chính trị và địa-kinh tế thế giới. Người đứng đầu Đại hội đồng LHQ cảnh báo, xung đột không chỉ gây phương hại trực tiếp cho các quốc gia liên quan, mà còn cản trở sự tiến bộ tại nhiều nước khác, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ cũng cảnh báo, cuộc xung đột đang làm xói mòn nền tảng và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, phá vỡ thế cân bằng mong manh của các mối quan hệ quốc tế đúng vào thời điểm tinh thần đoàn kết, sự thống nhất và hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết các vấn đề đa phương.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đang ngày càng leo thang. Anh vừa công bố hơn 50 biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhắm vào 14 thực thể và cá nhân liên quan hoạt động sản xuất đạn dược và vũ khí. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt mới cũng nhằm vào các công ty điện tử và nhà kinh doanh kim cương, dầu mỏ của Nga. Cho đến nay, Anh đã áp đặt trừng phạt đối với tổng cộng 2.000 cá nhân, công ty và nhóm liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine.

Cũng đúng hai năm sau ngày nổ ra xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo các lệnh trừng phạt nhằm vào hơn 500 mục tiêu ở Nga. Các lệnh trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính, cơ sở công nghiệp quốc phòng và mạng lưới mua sắm quốc phòng của Nga. Theo Bộ Tài chính Mỹ, đây là gói trừng phạt lớn nhất mà nước này áp đặt đối với Moscow kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào ngày 24/2/2022.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/2 cũng nhất trí áp đặt gói trừng phạt thứ 13 đối với Moscow liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Gói trừng phạt mới này nhằm vào gần 200 thực thể và cá nhân của Nga. Cuối năm ngoái, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Moscow.

Nhằm đáp trả gói trừng phạt mới nhất của phương Tây, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Moscow đã mở rộng danh sách quan chức và chính trị gia EU bị cấm nhập cảnh nước này. Theo đó, Nga sẽ áp đặt trừng phạt đối với những đại diện của cơ quan thực thi luật pháp và tổ chức thương mại của EU cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, đại diện của các thể chế EU liên quan các vụ truy tố quan chức Nga và những người có nhiệm vụ thu thập tài liệu liên quan việc tịch thu tài sản của nhà nước Nga. Trong danh sách trừng phạt còn có các quan chức của Hội đồng châu Âu, các thành viên của hội đồng lập pháp các nước EU, các thành viên của Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Hội đồng Nghị viện châu Âu.

Trong khi đó, xung đột trên thực địa vẫn rất căng thẳng. Sau hai năm xảy ra cuộc chiến Nga - Ukraine, Nga cho biết, các lực lượng của nước này đã tiến sâu hơn vào miền đông Ukraine. Trong khi đó, các lực lượng của Ukraine vẫn duy trì phòng thủ ở miền đông.

Nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Thụy Sĩ thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao về hòa bình cho Ukraine vào mùa hè năm nay. Ukraine đang kêu gọi sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis hối thúc cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an LHQ, tăng cường hơn nữa các nỗ lực để chấm dứt cuộc xung đột này, hướng tới nền hòa bình toàn diện, công bằng, bền vững phù hợp Hiến chương LHQ và mở ra tương lai hy vọng, thịnh vượng cho người dân hai nước.