Căng thẳng leo thang

Căng thẳng giữa nhiều nước đã leo thang thành xung đột quân sự hay trả đũa ngoại giao, song song những cuộc khủng hoảng ngân sách dành cho người tị nạn cũng như sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan… Thế giới đã và đang trải qua những vòng xoáy bất ổn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột dữ dội trên dải Gaza.
Xung đột dữ dội trên dải Gaza.

1 Xung đột quân sự giữa phong trào Hamas của Palestine và Israel ngày càng căng thẳng. Israel thông báo phong tỏa toàn bộ Dải Gaza, trong đó có lệnh cấm nhiên liệu và lương thực. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas làm hàng nghìn người của cả hai bên thiệt mạng, nhiều người bị thương nặng đang trong tình trạng nguy kịch.

Nga bày tỏ hết sức quan ngại về các diễn biến gần đây tại Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, đồng thời cảnh báo tình hình có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Aboul Gheit kêu gọi chấm dứt giao tranh, song nhấn mạnh bạo lực sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào vấn đề Palestine chưa được giải quyết. Theo Liên hợp quốc, cho đến nay, hơn 260.000 người đã phải rời bỏ nơi ở. Người dân dải Gaza đối mặt thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới gấp rút triển khai các biện pháp bảo hộ công dân của mình tại Trung Đông. Chính phủ Hà Lan và Đức đã lập cầu hàng không để sơ tán công dân khỏi Israel.

2 Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trục xuất hai quan chức Đại sứ quán Nga tại Washington, để đáp trả việc Nga trước đó trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ khỏi Đại sứ quán nước này ở Moscow. Hãng thông tấn RIA (Nga) dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga xác nhận vụ trục xuất, gọi đó là quyết định vô căn cứ và nói rằng Washington đã lấy việc Moscow trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ "bị bắt quả tang tham gia hoạt động gián điệp" hồi tháng 9 làm cái cớ.

Quan hệ Mỹ-Nga đã rơi xuống điểm tồi tệ nhất trong hơn 60 năm vì cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ đang cung cấp vũ khí tiên tiến cho Kiev và áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Hồi năm 2022, Mỹ trục xuất 12 nhà ngoại giao của Nga tại Liên hợp quốc với lý do liên quan tới các hoạt động phi ngoại giao.

3 Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi, cho biết cơ quan này đang đối mặt với một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hơn 70 năm, với khoảng 110 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trên toàn thế giới, trong khi ngân quỹ ứng phó thiếu nghiêm trọng. Ông Filippo Grandi kêu gọi các nước tôn trọng quyền của những người chạy trốn xung đột được bảo đảm theo Công ước về người tị nạn năm 1951, mà UNHCR được thành lập để giám sát.

Ông Grandi cho biết, UNHCR đối mặt thiếu hụt kinh phí 650 triệu USD trong năm nay và khả năng năm 2024 còn đáng lo ngại hơn. Các cuộc xung đột ở nhiều nước như Ukraine và Sudan khiến số người di tản tăng cao kỷ lục, trong khi chính phủ một số nước, kể cả chính phủ từng chào đón người tị nạn như Đức, đứng trước yêu cầu phải áp dụng những chính sách khó khăn hơn đối với người xin tị nạn.

Căng thẳng leo thang ảnh 1
Người dân Sudan rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do bạo lực.

4 Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD)-tổ chức của các nước Đông Phi, bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan cùng tình trạng bất ổn chính trị ở một số quốc gia vùng Sừng châu Phi. Theo IGAD, sự gia tăng khủng bố, cướp biển, cướp có vũ trang và bắt cóc trên biển trong khu vực và sự thiếu hợp tác an ninh giữa các quốc gia thành viên đã khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Các tuyến đường bất hợp pháp tại khu vực này đang được sử dụng để buôn bán ma túy, vũ khí, buôn người và vận chuyển hàng lậu.

Đặc phái viên của IGAD về Biển Đỏ, Vịnh Aden và Somalia, ông Mohammed Ali Guyo kêu gọi tăng cường phối hợp giữa tám quốc gia thành viên, để cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn sinh kế, dẫn đến gia tăng bất ổn, khi các cộng đồng bị ảnh hưởng phải vật lộn để mưu sinh. Tình hình này cũng đang tạo điều kiện cho sự phát triển và gia tăng của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.