Căng thẳng leo thang

Xung đột, căng thẳng ngoại giao, nợ công và dịch bệnh đã ảnh hưởng tới nhiều khu vực trên thế giới trong tuần qua, đòi hỏi phải có các giải pháp ngăn chặn kịp thời.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân kẹt trong những cuộc giao tranh ở Sudan.
Người dân kẹt trong những cuộc giao tranh ở Sudan.

1 Giao tranh giữa quân đội Sudan và Các Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) đã nổ ra từ ngày 15/4, làm hơn 200 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương. Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế và Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ gần như không thể cung cấp các dịch vụ nhân đạo chung quanh thủ đô của nước này, đồng thời cảnh báo hệ thống y tế của Sudan có nguy cơ sụp đổ khi nhiều bệnh viện cạn kiệt nguồn cung máu, dịch truyền và nhiều thiết bị cấp cứu khác.

Hai nước láng giềng Ai Cập và CH Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan, trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới khu vực bất ổn này. Nhiều nước có ý định sơ tán công dân khỏi Sudan, song không phận bị đóng cửa và việc di chuyển bằng đường bộ gặp nhiều nguy hiểm. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên xung đột tại Sudan đối thoại, nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thúc đẩy các nỗ lực trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan trong 24 giờ, bắt đầu từ đêm 18/4 nhằm bảo đảm hành lang an toàn cho dân thường và sơ tán người bị thương.

2 Hãng tin TASS dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: Ngày 18/4, cơ quan này đã triệu Đại sứ Mỹ, Anh và Canada tới để phản đối hành động mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho là "can thiệp vào công việc nội bộ của Nga", sau khi các nước trên ra tuyên bố phản đối một số quyết định của Moscow liên quan đến các nhân vật đối lập.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang khi trước đó Na Uy trục xuất 15 nhân viên Đại sứ quán Nga tại Oslo. Bộ Ngoại giao Na Uy thông báo 15 nhân viên Đại sứ quán Nga tại Oslo là những nhân vật không được hoan nghênh tại Na Uy và phải rời khỏi nước này ngay lập tức, do đã tiến hành các hoạt động tình báo dưới vỏ bọc ngoại giao. Phản ứng trước động thái trên của Na Uy, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ đáp trả tương xứng.

Căng thẳng leo thang ảnh 1
Nợ công đang trở thành gánh nặng đè lên cuộc sống người dân ở

không ít quốc gia.

3 Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) công bố kết quả khảo sát, cho thấy nợ công trung bình của chính phủ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ở mức cao nhất trong 18 năm qua. Bối cảnh chung là các quốc gia này đang cố gắng ổn định mức nợ công vào năm 2027. Thâm hụt cơ bản là yếu tố chính góp phần làm tăng nợ công trong khi đồng tiền mất giá cũng là một nguyên nhân nữa khiến mức nợ công tăng ở một số quốc gia. Hiện nền kinh tế của một số quốc gia vẫn đang phải chật vật trả nợ nước ngoài khi số tiền trung bình gần đây phải trả tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với giai đoạn trước, chạm mức 10% GDP trong năm 2022.

Theo ESCAP, các quốc gia được xếp hạng có mức độ khó khăn về nợ cao cần tái cơ cấu nợ công nhanh chóng và đầy đủ, đồng thời nỗ lực hướng tới các cơ chế giải quyết nợ nước ngoài. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước quản lý nợ một cách công bằng và bền vững, đầu tư lớn vào các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi hệ thống tài chính quốc tế để hệ thống trở nên công bằng và linh hoạt hơn.

4 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi người dân châu Âu cảnh giác với nguy cơ lây lan dịch đậu mùa khỉ trong mùa lễ hội xuân-hè. Mặc dù số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây, song Văn phòng WHO châu Âu lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh từ các ca nhập cảnh ngoài châu lục, đặc biệt từ khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành hoặc những quốc gia đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh này.

WHO kêu gọi những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất hoặc có kế hoạch tham dự các sự kiện và lễ hội trên khắp châu Âu trong những tháng tới chủ động theo dõi triệu chứng của bệnh, đi xét nghiệm để kịp thời phát hiện và điều trị. Đậu mùa khỉ vốn là bệnh lưu hành tại châu Phi, song trong năm 2022, số ca mắc tại khu vực châu Âu tăng đột biến, khiến WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào tháng 7 cùng năm.