Đối mặt với nguy hiểm
Gặp Thượng sĩ Trương Duy Tùng - Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 7 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đóng trên địa bàn huyện Thanh Trì và nghe anh tâm sự mà thấy những giây phút đương đầu với hiểm nguy của các anh thật đáng kính nể. Đến giờ Tùng vẫn nhớ như in cảm giác trong không khí vô cùng khẩn trương chống “giặc lửa” tại tòa nhà CT4 Khu đô thị Xa La (Hà Đông) vào ngày 11-10-2015 mà anh trực tiếp cứu được hơn 50 người.
Tác nghiệp tại hiện trường, phóng viên chứng kiến cảnh hỗn loạn, nháo nhác của nhiều người chạy thoát thân. Khói đen lớn dần. Hôm đó, khoảng 20 giờ, Tùng cùng đồng đội có mặt tại hiện trường vụ cháy, cả đội chia làm hai nhóm, cùng đeo mặt nạ phòng độc, bình thở ô-xy leo thang bộ đến tầng 20 thì có tiếng kêu cứu từ một căn hộ. Khi mở cửa, có một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đang trong phòng, bị ngạt khói. Tiểu đội trưởng đi cùng Tùng đã đưa người này xuống đất, còn Tùng tiếp tục leo lên các tầng, tìm người mắc kẹt bên trong. Càng lên cao, khói càng dày đặc, mù mịt, Tùng phải dùng đến hai đèn pin. Tùng chia sẻ về quá trình cứu người mau lẹ trong màn khói bao trùm: “Lúc đó em xác định còn nhiều người mắc kẹt ở các tầng trên nên em và một số đồng đội đã mau lẹ leo lên tầng 27. Tổ của chúng em hướng dẫn được nhiều người đi xuống. Trong đó có nhiều em nhỏ được đưa xuống đất an toàn. Khi kiểm tra tầng 28, em phát hiện một gia đình trong đó có bà cụ đang lả đi vì khói, một người mẹ đang bế con. Lúc đó có một mình em, biết là khó đưa mọi người xuống đất nên đã hướng dẫn gia đình, cõng bà cụ cùng lên tầng thượng tránh khói độc. Em trở lại tầng 29 tìm người. Khi lên đến tầng 32 thì phát hiện một gia đình bị mắc kẹt, trong đó có một cháu bé mới 12 ngày tuổi. Em dùng chăn phủ và đưa họ lên tầng thượng an toàn”.
Ngừng một lát, Tùng kể tiếp: “Quay ngược xuống tầng 33 và 34 thì được báo tại đó còn nhiều người. Em đã được sự hỗ trợ của đồng đội tập trung mọi người lại, hướng dẫn đi cửa thoát hiểm lên tầng thượng. Tiếp tục tìm tầng 34 và đưa được một người mẹ trẻ bế con lên sân thượng. Đến 21 giờ, em đã tập trung đưa được 50 nạn nhân lên sân thượng an toàn. Đến 21 giờ 30 phút, lượng khói giảm, đồng đội lên hỗ trợ đưa dần người dân xuống đất. Đó là một trận đánh nhau với giặc lửa mệt mỏi”.
Đám cháy được dập tắt, trong phút giây nghỉ ngơi, Tùng mệt lả, mặt mũi phờ phạc, toàn thân ám bụi và tro than đen sì. Ai nấy nhìn thấy anh đều cảm động. Ông Nguyễn Lực, người dân trong khu vực khen ngợi: “Nhờ những tấm gương chiến sĩ trẻ, khỏe, dũng cảm như anh Tùng mà nhiều người được cứu. Không thì không biết là sẽ thiệt hại bao nhiêu người...”.
Một chiến sĩ khác là Thượng sĩ Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1995), Phòng Cảnh sát PCCC số 7, đã có khoảng 50 lần cùng đồng nghiệp trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ người dân. Quá trình công tác tại đơn vị, người lính trẻ luôn thể hiện sự mưu trí, dũng cảm trong các cuộc chiến chống “giặc lửa”. Quang đã bị bỏng nặng vào năm 2015 trong một lần tham gia chữa cháy tại xưởng bao bì ở cụm công nghiệp làng nghề Ninh Sở (huyện Thường Tín). Hậu quả đã làm một bên mông, lưng và hai bàn tay của Quang bị bỏng nặng. Dù trải qua rất nhiều lần phẫu thuật, đôi bàn tay anh vẫn không thể lành lặn trở lại.
Đến nay, dù không thể trực tiếp tham gia chữa cháy, nhưng ước mơ của Thượng sĩ Nguyễn Văn Quang vẫn chưa bao giờ tắt. Trở về với vị trí công tác văn phòng, chưa một lần anh thấy ân hận với quyết định của mình.
Nhiệm vụ và bản lĩnh nghề nghiệp
Mỗi công việc đều cần sự nỗ lực. Nhưng công việc của người lính cứu hỏa rất đặc thù và không chỉ cần sự nỗ lực, mà cần cả sức khỏe, lòng dũng cảm, bởi họ luôn phải đương đầu với mối nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng như: chữa cháy trong những công trình sắp sập, trong tầng hầm, có chất nổ hoặc mạng lưới dây điện không an toàn hay chữa cháy, trong các kho xưởng chứa hóa chất, sập đổ các cấu kiện trong quá trình chữa cháy... Trung tá Đặng Xuân Hòa, Đội trưởng đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp (Phòng Cảnh sát PCCC số 9) phụ trách khu vực Hà Đông, huyện Chương Mỹ chia sẻ: Chiến đấu với “giặc lửa” phải có “mưu kế” đánh lửa phù hợp. Khi ngồi trên xe chữa cháy di chuyển xuống hiện trường, người lính cứu hỏa phải nắm được 90% về kiểu “giặc” mình sắp đối mặt, để áp dụng thế trận chữa cháy tối ưu.
Nhớ lại vụ chữa cháy ở tòa nhà CT4 Khu đô thị Xa La - Hà Đông hồi tháng 10-2015, các chiến sĩ trẻ Phòng Cảnh sát PCCC số 9, kể lại: Chưa kịp ăn tối thì anh em nhận được lệnh lên đường. Đến nơi, nhận định đây là vụ cháy phức tạp do điểm xuất phát cháy tại tầng hầm, khu vực để xe máy. Khi cháy, nhiệt lượng tỏa ra cao nên khói lớn lan tỏa lên phía trên tòa chung cư cao tầng, gây khó khăn cho công tác tổ chức hướng dẫn thoát nạn. Chỉ huy chữa cháy đã chỉ đạo một tổ công tác đeo bình thở tiến hành vào trinh sát, nắm bắt tình hình diễn biến đám cháy. Khi ấy, đám cháy đã tỏa ra lượng khói dày đặc lan đến các tầng cao của tòa nhà. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng, chỉ huy chữa cháy đã báo cáo với cấp trên để xin chi viện thêm lực lượng và phương tiện.
Tôi hỏi, vậy đối mặt với những đám cháy lớn, lửa nóng, khói độc tràn ra, các chiến sĩ có bao giờ chùn tay? Trung sĩ Nguyễn Tuấn Vũ trả lời: “Cái cảm giác nguy hiểm chỉ diễn ra một tích tắc nào đó thôi, còn thấy đám cháy, thấy người bị nạn còn mắc kẹt là phải lao vào cứu chữa. Đó là nhiệm vụ, là bản lĩnh nghề nghiệp nếu có hy sinh thì cũng chấp nhận. Nhưng nếu không có sức khỏe tốt, chưa cần nhà sập, tường đổ, có khi anh em chúng tôi đã “quỵ” rồi”.
Những người lính cứu hỏa mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều thừa nhận công việc họ đang làm rất nguy hiểm. Nhiều khi chữa cháy ròng rã nhiều giờ, thậm chí liên tục mấy ngày liền trong điều kiện khắc nghiệt. Những năm gần đây xảy ra cháy liên tục, lực lượng PCCC phải căng mình làm nhiệm vụ. Thậm chí có ngày trên địa bàn Hà Nội xảy ra ba vụ cháy. Những tổn thất, hay trường hợp bị thương thường rơi vào những chiến sĩ tuổi trẻ, nhiệt huyết, được giao vào mũi tiến công chính. Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 7, bày tỏ: “Chúng tôi thường xuyên động viên anh em khi làm nhiệm vụ, phải luôn bảo đảm an toàn cho bản thân thì mới có cơ hội chữa cháy, cứu người và tài sản cho nhân dân. Đơn vị cũng hết sức quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của anh em bị thương. Lãnh đạo cấp trên cũng công nhận, khen thưởng những người có cống hiến, bị thương khi làm nhiệm vụ. Tiêu biểu như đồng chí Hoàng Văn Đông, bị thương tật 29%. Vừa qua, chúng tôi đã vận động, xây dựng cho đồng chí Đông ngôi nhà tình nghĩa”.
Thượng sĩ Trương Duy Tùng.
Tận thấy hình ảnh các chiến sĩ căng mình, gần như bị nuốt trong màn khói lửa giữa thời bình, trong những đống đổ nát tại vụ cháy Chợ Quang (Hà Nội), cháy tại tòa nhà Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh) vừa qua... mới thấy hết sự nhọc nhằn, thấp thỏm và muôn nỗi nhọc nhằn của người lính cứu hỏa. Còn gì vui sướng hơn khi dập tắt được đám cháy, cứu thoát được hàng trăm nạn nhân chỉ trong gang tấc.