Quản lý dịch vụ karaoke

Cần thấy rõ gốc của vấn đề

Dù đã có nhiều nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý cũng như tăng cường giải pháp quản lý, song, do những tồn tại chưa được giải quyết một cách rốt ráo từ cơ sở, nên hoạt động của loại hình dịch vụ karaoke vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hà Nội, nơi có mật độ dày đặc các địa chỉ kinh doanh karaoke, câu chuyện quy hoạch dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Ảnh: CTV
Tại Hà Nội, nơi có mật độ dày đặc các địa chỉ kinh doanh karaoke, câu chuyện quy hoạch dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Ảnh: CTV

Những cố gắng bước đầu

Nghị định số 54/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2019 đã quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định cũng quy định cụ thể các trường hợp yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau gần ba năm triển khai thực hiện Nghị định, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường dần đi vào nền nếp, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Nghị định đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các địa phương triển khai thực hiện.

Số liệu thống kê của cơ quan quản lý Nhà nước cho biết, đến tháng 2/2022, cả nước có 21.326 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa phương đã tổ chức kiểm tra 4.622 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Qua đó, đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính đối với 556 cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm. Đến nay, có 47/63 địa phương đã thực hiện phân cấp việc cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke. Nhiều tỉnh, thành phố đã có quy hoạch về hoạt động karaoke, vũ trường, như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, An Giang, Bình Thuận…

Tăng cường trách nhiệm quản lý ở địa phương

Tuy nhiên, tại Hà Nội, nơi có mật độ dày đặc các địa chỉ kinh doanh karaoke, câu chuyện quy hoạch karaoke dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế, Hà Nội từng triển khai quy hoạch karaoke. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Hà Nội từng giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lập và trình quy hoạch hoạt động kinh doanh karaoke nhưng việc này dừng lại sau khi có Luật Quy hoạch (được Quốc hội ban hành vào tháng 11/2017), theo đó, không cho phép có thêm các quy hoạch chuyên ngành. Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội, cho biết, mặc dù dừng việc lập quy hoạch, song Thành phố vẫn thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động kinh doanh karaoke, bar, vũ trường.

Theo giới chuyên gia, thiếu quy hoạch bài bản là một phần nguyên nhân dẫn đến những bất cập, bởi với tư cách là một loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, karaoke nhất thiết phải bảo đảm các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy chuẩn về an toàn cũng như tiêu chuẩn thiết kế công trình công cộng. Chuyên gia quản lý văn hóa chỉ rõ, quy hoạch karaoke khác với quy hoạch các loại hình kinh doanh dịch vụ khác bởi nhu cầu của người dân thường chỉ hướng đến một số tuyến phố trung tâm, theo thói quen, thuận tiện, có sức thu hút; vì vậy, không thể tập trung vào những tuyến phố gây khó cho việc đầu tư.

Trên bình diện tổng thể, vấn đề quy hoạch dù quan trọng nhưng không hẳn là mấu chốt chi phối công tác quản lý. Nhiều quy hoạch đã có nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, theo các nhà quản lý, cần thấy rõ cái gốc của vấn đề là phải siết chặt quản lý phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cũng như quản lý các hoạt động bên trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bảo đảm tính lành mạnh, không biến tướng.

Trong bối cảnh đời sống hiện nay, nhu cầu của người dân và khách du lịch đối với dịch vụ karaoke là rất lớn. Vì vậy, càng cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Ông Trương Minh Tiến cho rằng, đã đến lúc phải tính tới sửa đổi các quy định quản lý karaoke, đặc biệt là quy định liên quan sửa chữa địa điểm kinh doanh karaoke, buộc phải có sự giám sát của cơ quan phòng cháy, chữa cháy.

Đại diện Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, để tăng cường hiệu lực quản lý đối với loại hình dịch vụ giải trí karaoke, các tỉnh, thành phố đều cần phải thể hiện rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của mình. Hành lang pháp lý đã được ban hành tương đối đầy đủ, vấn đề là cách thức triển khai trong thực tiễn ở địa phương. Hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường vốn là loại hình nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Lãnh đạo, người được phân công chịu trách nhiệm quản lý mảng hoạt động này ở địa phương có cơ sở vi phạm các quy định cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự, khi để xảy ra sai phạm. Khi và chỉ khi những nỗ lực siết công tác quản lý thật sự được hiện thực hóa trong đời sống, hoạt động karaoke mới có thể thật sự trở thành một loại hình dịch vụ văn hóa có ích cho đời sống xã hội.