Ngang nhiên san lấp khi chưa có đồng thuận
Theo tìm hiểu, Cụm công nghiệp (CCN) Đoàn Tùng nằm trong Quy hoạch sử dụng đất của huyện Thanh Miện, giai đoạn 2010 - 2020, với tổng diện tích quy hoạch là 35,15 ha. Hiện nay, đã có bảy doanh nghiệp (DN) xin thuê đất và đã đi vào sản xuất, kinh doanh. Nhưng có ba DN trong số này vẫn chưa hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Cụ thể, dự án xây dựng Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH TM Bình Nguyên có tổng diện tích thu hồi là 28.915,8 m2. Đến nay, vẫn còn bốn hộ chưa nhất trí với diện tích đất là 1.528 m2. Thế nhưng phần diện tích của bốn hộ này đã bị DN thực hiện việc san lấp, xây dựng nhà xưởng và các công trình trên đất. Điều đáng nói, theo phản ánh của các hộ dân ở đây thì họ không hề nhận được quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường hay các giấy tờ liên quan.
Cũng tương tự, dự án xây dựng Nhà máy sản xuất cần câu cá của nhà đầu tư Forward Grow Corp và dự án xây dựng Nhà máy sản xuất và lắp ráp đồ chơi trẻ em của nhà đầu tư Global Lead Investment Limited đều chưa thực hiện xong công tác GPMB cho sáu hộ dân đã thực hiện san lấp và xây dựng nhà xưởng.
“Nhà tôi có 605 m2. Chúng tôi chẳng nhận được bất cứ thông báo nào, tháng 3/2018, UBND xã bỗng nhiên mời chúng tôi ra lấy tiền là 75 triệu 600 nghìn đồng/sào. Tháng 8/2018, công ty san lấp đất nên chúng tôi không canh tác được nữa”, ông Trần Huy Một (người dân có đất bị mất) cho biết.
Theo phản ánh khác của chị Trần Thị Thủy, người bị san lấp mất 569 m2 đất thì phía UBND xã cũng đã nhiều lần kêu gọi người dân giao đất, lấy tiền đền bù vì giờ phía công ty đã san lấp toàn bộ phần diện tích, khó hoàn trả. Chị Thủy cho biết: “UBND xã đã soạn sẵn cho 10 hộ chúng tôi một lá đơn giao đất và đưa quyết định nhận tiền bồi thường. Như thế này khác nào bắt ép chúng tôi bán đất, quá vô lý nên chúng tôi không ai ký xác nhận. Đến nay, không những không đòi lại được đất mà cũng là năm thứ tư không có ruộng canh tác”.
Nhiều bất cập trong quản lý
Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng và ông Đỗ Văn Toán, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Thanh Miện để tìm hiểu rõ hơn các vấn đề trên.
Về phía chính quyền xã, ông Tuấn cho biết, theo quy mô thì đất của 10 hộ này thuộc phạm vi dự án. Còn các quyết định khác thì lúc đó ông chưa làm lãnh đạo nên chưa nắm rõ. Việc chính quyền xã soạn thảo sẵn đơn giao đất cho người dân, ông Tuấn xác nhận việc này là có. “Đúng ra bà con phải viết bằng tay thế nhưng như thế không đồng bộ. Thứ hai là bà con viết cũng mất thời gian, chữ cũng không chuẩn cho nên UBND xã thống nhất soạn sẵn, nếu bà con thấy đúng thì ký xác nhận”, ông Tuấn lý giải.
Bên cạnh đó, theo phân tích của ông Tuấn, UBND xã khi phát hiện các công ty san lấp đất cũng đã lập biên bản, yêu cầu tạm thời dừng toàn bộ hành động san lấp và báo cáo lãnh đạo UBND huyện. Còn lại cho dự án tiếp tục triển khai hay không thì không phải thẩm quyền của cấp xã.
Thế nhưng, UBND huyện cũng đã nhiều lần chỉ đạo UBND xã Đoàn Tùng có biện pháp ngăn chặn và đã ban hành Công văn số 286/UBND-TNMT ngày 24/4/2018 về việc thực hiện công tác quản lý đất đai theo quy định. Công văn nêu rõ: Yêu cầu UBND xã Đoàn Tùng quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai, thực hiện công trình, dự án phải theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành; yêu cầu dừng thi công xây dựng, khi nào có đầy đủ hồ sơ pháp lý mới được thực hiện.
Vậy vì sao các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên san lấp, xây dựng các công trình trên đất của các hộ dân chưa thực hiện xong công tác thu hồi đất? Khi đã bị xử phạt, các công ty này vẫn cố tình sai phạm, vai trò của chính quyền địa phương ở đâu?
Chưa thể có cách giải quyết?
Được biết, ngày 3/4/2019, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Dương đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 12,13,14/QĐ-CPVPHC đối với ba công ty trên với số tiền 50 triệu đồng và cũng nêu rõ: trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, đại diện tổ chức vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Hết thời hạn này mà không xuất trình được giấy phép xây dựng với người có thẩm quyền thì áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, tổ chức vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp giấy phép xây dựng được cấp thì mới tiếp tục được thi công xây dựng.
Tuy nhiên, đến nay đã gần ba năm, thắc mắc kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết. Không những vậy, các nhà xưởng đã đi vào hoạt động sản xuất, khiến việc giải quyết càng gặp nhiều khó khăn và đang đi vào bế tắc. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Và đến bao giờ người dân mới đòi được quyền lợi chính đáng của họ?
Trả lời cho câu hỏi trên, Trưởng phòng TNMT huyện cho biết, dự án có hàng trăm hộ, hầu hết đã nhận tiền bồi thường nên có quyết định phê duyệt phương án. Phần nào đã có quyết định thì xây dựng phần đó, chia làm nhiều đợt chứ không phải thu hồi tất cùng lúc. Chính vì thế nên mới xảy ra tình trạng san lấp như vậy.
“Doanh nghiệp san lấp hết rồi, bây giờ chúng tôi kiểm đếm kiểu gì để lập phương án ?” - ông Toán nói: “Thế này thì khó quá. 10 hộ này chúng tôi rất nhiều lần báo cáo tỉnh để xin phương án xử lý. Việc này làm từ năm 2018 rồi có phải mới đây đâu. Có thông tin tháng 8/2021 sẽ có một đoàn thanh tra tỉnh về làm việc nội dung này. Còn những vấn đề chỉ đạo khác phải hỏi đồng chí chủ tịch. Chúng tôi chỉ là cơ quan chuyên môn”.
Theo luật sư Trần Đại Lâm - Công ty luật TNHH Hừng Đông, Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc 10 hộ dân này nằm trong quy hoạch thì phía cơ quan quản lý nhà nước có thể cưỡng chế thu hồi đất. Câu hỏi đặt ra là liệu 10 hộ dân này có thật sự nằm trong quy hoạch dự án hay không?
Các công ty này có hành vi lấn chiếm đất. Việc này có thể xử phạt hành chính với mức phạt cụ thể thấp nhất từ 6 triệu đồng đến 300 triệu đồng, đi kèm với đó là các điều kiện trả lại mặt bằng đất. Điều này quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Nhưng theo luật sư, để tình trạng bất cập này tồn tại lâu đến thế này thì cần xem xét vai trò của cơ quan chức năng địa phương.
Luật sư cho rằng: “Theo ý kiến cá nhân tôi, đối với các trường hợp như trên thì Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc để thanh kiểm tra lại. Trong trường hợp chính quyền các cấp cố tình chây ỳ không thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình thì cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ trường hợp này có lợi ích nhóm hoặc hành vi trục lợi hay không?”.
Trước những băn khoăn của người dân, đề nghị chính quyền địa phương sẽ sớm đưa ra được phương án giải quyết “thấu tình, đạt lý”, tránh việc khiếu nại, khiếu kiện khéo dài, ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương.