Cần nhận thức mới để thúc đẩy phát triển thực chất

Kỳ vọng đạt 9% GDP đến năm 2045 của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam theo tóm tắt dự thảo Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, cho thấy nỗ lực và mong muốn của các bên liên quan trong việc định hình lại hệ sinh thái các ngành này. Đồng thời với đó là khát vọng thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp văn hóa phát triển tương xứng tài nguyên văn hóa đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ công mỹ nghệ là một ngành công nghiệp văn hóa đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực trẻ và có chất lượng cao (ảnh minh họa). Ảnh: Nội Pictures
Thủ công mỹ nghệ là một ngành công nghiệp văn hóa đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực trẻ và có chất lượng cao (ảnh minh họa). Ảnh: Nội Pictures

Một số thống kê ban đầu ấn tượng

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành năm 2016 đã đem tới một sự chuyển biến tích cực hết sức rõ rệt trong hầu hết các ngành này.

Con số ước tính từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu như năm 2015, các ngành kinh doanh sản phẩm có yếu tố văn hóa nghệ thuật đóng góp khoảng 2,68% GDP thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên khoảng 3,61%. Bình quân 5 năm của tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước tính là 3,10% trong năm 2018 và đến năm 2022, tăng lên 4,42%. Điều đáng nói, đây mới chỉ là con số thống kê thông qua các đơn vị kinh doanh có pháp nhân chứ chưa bao gồm những người làm việc tự do (freelancer) trong lĩnh vực này vốn đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, sinh sau năm 1996.

Một số ngành đạt thành tựu nổi bật có thể kể đến là điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc, thể hiện ở doanh thu tăng đều qua các năm từ 2018 đến 2022 (từ 22,35 đến 31 nghìn tỷ đồng). Số lượng cơ sở kinh tế thuộc các ngành này cũng tăng dần theo từng năm, cụ thể là từ 1.351 cơ sở vào năm 2018 tăng lên đến 1.879 cơ sở vào năm 2022. Riêng trong ngành điện ảnh, năm 2023, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, gọi là “hãng phim”, tăng gấp 10 lần so năm 2000.

Thủ công mỹ nghệ cũng là một ngành ghi nhận sự phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất của ngành này tăng từ khoảng 23 nghìn tỷ đồng lên đến 34,9 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình đạt 11,07% và sức tăng nguồn nhân lực trung bình là 10,86%, từ 83.114 người lên đến 125.184 người.

Nhiều thách thức cần vượt qua

Tuy nhiên, phía sau nhiều con số thống kê tích cực nêu trên, ghi nhận ý kiến của những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Việt Nam cho thấy, thực tiễn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt về hành lang pháp lý và chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Bá Hải, Phó Giám đốc Trung tâm đầu tư phát triển Công thương (Bộ Công thương), khảo sát trên 100 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Ninh Bình cho thấy, nguy cơ hiện hữu về thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là sự tiếp nối thế hệ nghệ nhân-nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành nghề thủ công mỹ nghệ nói chung. Một thí dụ là trong nghề thêu, những lao động có tay nghề và kinh nghiệm hơn 40 tuổi lại không dễ dàng được cơ sở sản xuất tiếp nhận trong khi người dưới độ tuổi này lại không mặn mà với nghề thêu, đặc biệt lớp trẻ từ 30 tuổi trở xuống.

“Thiếu nhân lực chất lượng cao” cũng được xem là một nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến hạn chế khó khắc phục trong thời gian ngắn của nhiều ngành công nghiệp văn hóa trong nước, như vi phạm bản quyền sáng tạo ngày càng phổ biến, kéo dài tình trạng gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài, không đủ tự tin hợp tác liên kết ngành và lĩnh vực trong nước và nước ngoài do hạn chế về trình độ ngoại ngữ cũng như khả năng cập nhật xu hướng sáng tạo trên thế giới…

Thực tế cho thấy, hạn chế chính trong triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đều nằm ở vấn đề con người: chưa tạo cơ chế phối hợp, huy động và phân phối các nguồn lực giữa hai bên công lập và tư nhân, còn nhiều “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội và các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động… Một thí dụ là “điểm nghẽn” trong việc cấp phép cho các sự kiện nghệ thuật biểu diễn. Để chuyển tiền đặt cọc biểu diễn cho nghệ sĩ nước ngoài qua ngân hàng, nhà tổ chức phải có văn bản cấp phép biểu diễn cho nghệ sĩ đó. “Nhưng giấy phép này bao giờ cũng chỉ có vài ngày trước khi sự kiện được diễn ra, mà trong nền công nghiệp âm nhạc, mọi công việc đều được chuẩn bị trước từ một đến hai năm” - nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ trên Nhân Dân cuối tuần hồi đầu năm nay.

Trong khi đó, sự phát triển vượt bậc của công nghệ số và xu hướng kinh tế hình ảnh (visual economy) đã dẫn đến sự ra đời của hàng loạt sản phẩm văn hóa nghệ thuật mới trên nền tảng trực tuyến, phổ quát toàn cầu. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies), cho biết, riêng Trung Quốc hiện đã tạo ra khoảng hơn 100 ứng dụng sản xuất nội dung sáng tạo số như phim cực ngắn (Short Reel), dần giữ vị trí thống trị trên internet, lan rộng sức ảnh hưởng sang châu Âu… Sự phát triển này đồng thời đặt các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trước rất nhiều thách thức, không chỉ về nguồn nhân lực cao trong sản xuất mà còn là nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng, quản lý và thực thi các cơ chế, chính sách liên quan.

Chính vì vậy, không ai khác, lại cũng chính là con người mới có thể cải thiện các hạn chế đó, bắt đầu từ việc tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về công nghiệp văn hóa. Qua tham khảo thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở một số quốc gia phát triển, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Quan hệ quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa ra khuyến nghị: Nên bắt đầu từ thay đổi nhận thức và áp dụng một khái niệm mới, “các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo”, tại Việt Nam. Có như vậy mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong định hình lại hệ sinh thái các ngành công nghiệp này, biến nó thành một ngành kinh tế tổng hợp, thay vì phân ngành đơn lẻ như lâu nay, nhằm thu hút mọi tiềm năng nguồn lực xã hội.