Cảm hứng mới từ bản sắc

Xu hướng đưa các giá trị di sản văn hóa của đất nước, từ âm nhạc, trang phục đến danh lam thắng cảnh, vào những sản phẩm nghệ thuật mới đã dần phổ biến trong một vài năm trở lại đây, tạo nên những tác động tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
NSND Thúy Hường, NSƯT Vân Khánh và NSND Bạch Tuyết (hàng trước, từ trái sang) cùng các nghệ sĩ trẻ ủng hộ chiến dịch Ngân nga Việt Nam.
NSND Thúy Hường, NSƯT Vân Khánh và NSND Bạch Tuyết (hàng trước, từ trái sang) cùng các nghệ sĩ trẻ ủng hộ chiến dịch Ngân nga Việt Nam.

Khởi đầu từ trào lưu làm video âm nhạc

Các sản phẩm video âm nhạc trong vòng ba, bốn năm qua của ca sĩ Hoàng Thùy Linh và ekip được xem là thí dụ điển hình. Cùng với xu hướng này, nhiều ca sĩ/nghệ sĩ khác, mỗi người một cách thức, một hướng đi, đã đem tới ngày càng đa dạng phương thức tiếp cận công chúng. Người thì tìm cách đưa âm nhạc, trang phục, cảnh quan và nhiều yếu tố văn hóa tộc người của dân tộc mình vào trong sản phẩm, như cách mà ca sĩ Hà Myo, người dân tộc Mường, đã và đang làm. Người lại thay đổi thức thời thêm nữa, không chỉ còn tiếng đàn môi, nhị, khèn, sáo trúc trong thanh âm đương đại của mình mà còn thêm cảnh quan của sông núi quê hương, như Ngô Hồng Quang. Anh còn tiến tới tiếp cận công chúng chọn lọc theo cách mở những workshop về chơi đàn môi, đem tới công chúng khoảng thời gian vừa thư giãn, vừa thu lượm được kiến thức nhập môn về âm nhạc dân gian, để "có hiểu mới yêu", "càng hiểu càng thêm yêu" nghệ thuật dân tộc.

Trên các kênh truyền thông trực tuyến chính thức của một số ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, lượng xem (view) được tăng lên đáng kể sau mỗi MV mới, đến hàng triệu, chục triệu lượt. Một điều thú vị hơn nữa có lẽ là sự thu hút công chúng quốc tế vào xem và để lại bình luận tích cực, không chỉ về hình ảnh cá nhân của ca sĩ mà qua đó là hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam hôm nay. Một trong những bình luận hàng đầu của khán giả nước ngoài với khoảng 2.400 lượt thích dưới MV See Tình trên kênh YouTube chính thức của Hoàng Thùy Linh, như sau: "May mắn thay, tôi đã phát hiện ra MV này sau một thời gian tìm hiểu nó là ngôn ngữ gì. Tôi thừa nhận rằng tôi thích cách âm nhạc của cô ấy pha trộn và phù hợp với văn hóa Việt Nam và thời hiện đại...". MV này được phát hành vào tháng 2/2022, mở đầu bằng hình ảnh cánh cò bay lả, tiếng đàn kìm và giai điệu vọng cổ, với khoảng 30 triệu lượt view tính đến thời điểm hiện tại.

Công cụ đắc lực cho một hướng đi

Sớm nhận ra tiềm năng từ cách đi này, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã hợp tác với các nghệ sĩ trong nước và TikTok - nền tảng video giải trí trực tuyến toàn cầu, trong việc đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam làm cầu nối các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam: Chiến dịch Ngân nga Việt Nam (#NganNgaVietNam), từ ngày 30/8 đến ngày 5/10/2022. Trước đó, năm 2019, TikTok đã mở đầu xu hướng quảng bá du lịch Việt Nam trực tuyến với chiến dịch #hellovietnam, đạt tới hơn 162 triệu lượt xem.

Đoạn nhạc chính thức cho chiến dịch Ngân nga Việt Nam được kết hợp giai điệu chọn lọc từ cả loại hình âm nhạc truyền thống là quan họ, ca Huế và cải lương. Trong một chia sẻ với chúng tôi, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, người được "đặt hàng" sản xuất bản nhạc này, nhận thấy "bài toán đưa ra khá là khó" nhưng cuối cùng, anh vẫn hoàn thiện được vì đã "tìm được đặc điểm chung của ba tác phẩm đó là nhịp điệu và tông giọng. Nhạc cụ dân tộc cũng là một yếu tố kết nối tốt giữa cả ba tác phẩm".

Những giọng ca đại diện của ba miền nghệ thuật truyền thống: Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hường (quan họ), Nghệ sĩ Ưu tú Vân Khánh (ca Huế) và "Cải lương chi bảo" Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết đã tích cực tham gia chiến dịch này thông qua tài khoản TikTok chính thức của họ. Trước hiệu ứng của chiến dịch, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cũng đã tạo tài khoản trên TikTok, điều mà anh chưa từng định làm vì thấy tính cách của bản thân không phù hợp nền tảng giải trí này. Chỉ hai tuần sau khi chiến dịch Ngân nga Việt Nam được phát động, theo đại diện của TikTok Việt Nam, đã có hơn 83 triệu lượt xem các video quảng bá hình ảnh cảnh quan, món ăn, trang phục các vùng, miền Việt Nam trên nền đoạn nhạc chính thức của chiến dịch.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bày tỏ hy vọng rằng, mô hình kết hợp giữa các nguồn lực công-tư-doanh nghiệp đầu tư nước ngoài này cùng sức sáng tạo của người dùng trên nền tảng TikTok, sẽ là công cụ đắc lực trong việc lan tỏa cảnh đẹp, văn hóa của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, trong bối cảnh quảng bá du lịch trực tuyến đã trở thành một xu hướng tất yếu.

Để giữ chân du khách và mời gọi được họ trở lại lần hai, lần ba, cần phải làm tốt nhiều việc quan trọng khác nữa. Nhưng sự hợp lực ban đầu và thay đổi cách thức truyền thông ngay từ cơ quan quản lý nhà nước đã đánh dấu một bước chuyển tích cực, cho thấy sự bén nhạy hơn của họ cũng như sự tin tưởng hơn vào khả năng chung tay của toàn xã hội thúc đẩy phát triển ngành du lịch với cảm hứng mới từ bản sắc văn hóa.