Các trường đại học có thể xét tuyển bổ sung nhiều đợt

Kết thúc thời hạn xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống (17 giờ ngày 30/9), có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt tỷ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Từ ngày 1/10, cơ sở đào tạo có thể thông báo tuyển sinh đợt bổ sung đến tháng 12.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn tuyển sinh năm 2022 của Trường đại học Thăng Long. Ảnh: BẮC SƠN
Tư vấn tuyển sinh năm 2022 của Trường đại học Thăng Long. Ảnh: BẮC SƠN

Nhiều điều chỉnh tích cực

Nhìn nhận công tác tuyển sinh năm 2022, nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, thí sinh là những người được tạo thuận lợi nhất: được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn của các trường công bố điểm sàn; được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng mong muốn, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển lớn nhất; không còn tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển từ nhiều trường mà thí sinh không đăng ký…

Các trường đại học được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm hẳn, đồng nghĩa với việc các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu. Nhìn một cách logic, khi tỷ lệ trúng tuyển và tỷ lệ nhập học cao, tỷ lệ các trường tuyển được tốt cũng sẽ cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống để có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát tốt hơn.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận xét: Về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực. Đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm số lượng thí sinh ảo, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó bảo đảm việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.

Các năm trước, hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh ảo rất lớn do thí sinh còn chọn các phương thức khác mà hệ thống không kiểm soát được, tỷ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 đã được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Có những thời điểm có tới hàng trăm nghìn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian trên Cổng Thông tin tuyển sinh và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hiện nay Hệ thống đang tiếp tục hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và xét tuyển bổ sung. Tất cả những vướng mắc, không thuận lợi trong quá trình triển khai đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, phân tích, để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Theo Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm. Sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến có khả năng bắt lỗi người sử dụng, dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn.

Các trường đại học có thể xét tuyển bổ sung nhiều đợt ảnh 1

Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên thu được nhiều kiến thức trong quá trình học tập. Ảnh: THẾ PHONG

Không nên phức tạp hóa phương thức tuyển sinh

Năm nay, có một vấn đề mà không ít phụ huynh và thí sinh băn khoăn. Đó là việc một trường có quá nhiều phương thức tuyển sinh đã gây khó khăn cho thí sinh và cả hệ thống.

Trong hướng dẫn tuyển sinh đại học năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo mã của 20 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức thứ 20 để tên là “Sử dụng phương thức khác”, tức là số phương thức thực tế các trường đề ra để tuyển sinh có thể nhiều hơn. Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh và học sinh “như bị đánh đố”. Nhiều phương thức có tên gần giống nhau khiến một số thí sinh chủ quan, nhầm lẫn khi đăng ký. Như trường hợp của em Khánh Nam (trú tại Quảng Ngãi) đã hai lần gửi thư đến Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mong được giúp đỡ vì đăng ký nhầm, từ xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ IELTS thành kết hợp kết quả học tập THPT (học bạ) với chứng chỉ IELTS.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: “Năm 2022, sau khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu, Bộ sẽ công bố các thông tin chung để xã hội thấy có thể có sự chưa hợp lý trong việc phân bổ chỉ tiêu và sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có thông tin của từng trường và nếu có sự bất hợp lý, Bộ sẽ làm việc với từng trường để điều chỉnh. Các trường được tự chủ phương thức tuyển sinh cũng như phân bổ chỉ tiêu, nhưng phải giải trình được về chất lượng đầu vào cũng như tính công bằng. Quan điểm của Bộ là các trường không nên sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, chỉ cần một đến hai phương thức là đủ, không nên phức tạp hóa phương thức tuyển sinh. Từ năm 2023, chúng ta cũng áp dụng quy định cộng điểm ưu tiên mới, sẽ bảo đảm tính công bằng hơn ở những ngành có tính cạnh tranh cao”.

Liên quan việc có nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo quá ôm đồm và ít nhiều làm giảm quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn giải thích: Chuyển đổi số là quá trình mới, nên sẽ có những bỡ ngỡ, rào cản. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng hệ thống xét tuyển không nằm ngoài mục đích lọc ảo tốt hơn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của thí sinh. Ở góc độ quản lý nhà nước, điểm quan trọng là Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở dữ liệu đầy đủ về các phương thức xét tuyển. Trên cơ sở dữ liệu đó, Bộ sẽ có những phân tích, nhận định đầy đủ để làm tốt hơn công tác quản lý và hỗ trợ các trường trong việc đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp. “Tôi cho rằng, đã là cái mới thì bao giờ cũng có sức cản. Quyền tự chủ của các trường luôn được tôn trọng, nhưng nếu như các trường có nhiều phương thức xét tuyển phức tạp, không bảo đảm quyền lợi, sự công bằng giữa các thí sinh, hoặc xét tuyển vượt số lượng chỉ tiêu theo quy định thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có căn cứ và công cụ để điều chỉnh việc này”.

Kết thúc mùa tuyển sinh năm 2022, dư luận vẫn băn khoăn với hiện tượng điểm chuẩn gần như tuyệt đối ở một số trường, ngành. Như vậy, vấn đề ngành giáo dục cần giải quyết là vì sao điểm chuẩn cao đến mức vượt trên cả điểm thủ khoa? Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích và cảnh báo từ trước, liên quan tới việc cộng điểm ưu tiên chưa thật sự công bằng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao. Những ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhưng chỉ tiêu ít thì điểm chuẩn bị đẩy lên cao. Điểm cộng ưu tiên dù 0,1-0,2 điểm đã rất quan trọng, chưa nói đến việc có thể được cộng nhiều nhất tới 2,75 điểm. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên mới, áp dụng từ năm 2023.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông thì rất nhiều trường có thể sử dụng để xét tuyển. Tuy nhiên, đối với những ngành có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực chuyên biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi bổ sung, hay có phương thức xét tuyển thay thế, bảo đảm tính phân loại cao hơn, đánh giá năng lực chuyên biệt tốt hơn.