Mây thường mọc ở các khu rừng thâm u trên dãy Trường Sơn với hàng chục loài như mây song, mây nước, mây voi... Mây mọc thành bụi, có dây mây mọc dài có khi lên đến hàng vài chục mét. Muốn lấy đọt phải rút sợi mây xuống, có khi phải huy động nhiều người mới rút nổi sợi mây để lấy đọt.
Mây có nhiều loài khác nhau, nhưng chỉ có loại mây voi là được ưa chuộng nhất bởi nõn ăn giòn, béo và vị ngọt, đắng nhẹ. Ðọt mây được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, hấp cơm, nướng chín với lửa than hoặc giã nát nấu với thịt khô hoặc cá khô trong ống tre là món canh ngon nhất của đồng bào. Ðối với mây nước, chỉ cần có khoảng 20 đọt ngọn mây là vừa một nồi canh ăn cả nhà. Ðầu tiên, bóc lớp vỏ ở đọt mây ra, lấy nõn non thái và ngâm qua nhiều nước cho hết nhựa đỏ, đến nước cuối cùng thì thêm chút muối cho bớt đi vị chát trước khi chế biến các món ăn.
Người Cơ Tu dùng nõn mây xắt ra xào với mỡ hoặc dầu ăn, có hương vị rất riêng mà không có loại đọt cây nào có được. Món đọt mây nướng được vùi dưới than hồng giống như nướng củ sắn tươi có hương vị rất thơm, bùi và không dai vì còn giữ được nước. Ðọt mây nướng phải ăn với muối hột giã với hạt tiêu rừng mới 'hợp gu'. Ngày nay, rừng càng ngày càng hẹp lại. Muốn ăn đọt mây, đồng bào phải đi rất xa, do đó đọt mây trở thành sản vật hơi hiếm.
Ðặc biệt, món cháo bột sắn nấu với nõn mây của người Cơ Tu được chế biến như sau: Dùng sắn tươi bào ra bột hoặc sắn xắt lát phơi khô, sau đó bỏ vào cối giã thành bột để làm bánh hoặc nấu cháo. Lấy bột sắn hòa với nước nấu khoảng chục phút cho cháo chín, khi nấu nhớ dùng đũa bếp quấy đều để tránh khê, cháy, sau đó cho nõn mây, cá vụn, tôm, tép, ốc... bỏ thêm rau tươi, muối, mì chính, tiêu rừng, ngò tàu thành món ăn thơm ngon, khoái khẩu. Người già 'rụng răng' rất thích ăn món này vì không cần nhai.
Những người già Cơ Tu thường nói: 'Ðọt mây song ăn nhiều không bị nặng bụng như măng. Ngoài ra, nõn mây thường được đồng bào nơi đây dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, chướng bụng...