Bến xe, hãng xe tăng chuyến
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các bến xe, nhà ga được yêu cầu tăng cường phương tiện, bố trí thêm chuyến, đặc biệt là các tuyến đi miền tây và miền trung, những nơi có lượng lớn người lao động di cư và sẽ về quê vào dịp Tết.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, đơn vị đã triển khai kế hoạch phục vụ hành khách và người dân, cam kết không để thiếu xe khách. Các bến xe khách liên tỉnh, phục vụ khoảng 93.529 hành khách/ngày (tăng 6% so cùng kỳ năm 2024). Tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự báo lượng khách qua cảng bình quân 125.849 lượt/ngày.
Còn tại Hà Nội, Bến xe Gia Lâm dự kiến tăng gấp đôi phương tiện, với 400 lượt xe/ngày, chủ yếu tập trung ở tuyến đến các tỉnh Bắc Giang, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh… Bến xe Mỹ Đình có lượng khách tăng 350% so ngày thường, dự kiến hơn 950 lượt xe/ngày. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, trong các ngày cao điểm, Bến xe Giáp Bát sẽ có khoảng 20.000 lượt khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường; dự kiến từ 850-900 lượt xe/ngày. Hành khách tăng tập trung chủ yếu ở tuyến đến các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình…
Nhằm phục vụ người dân tốt hơn, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chỉnh trang khu vực nhà ga, cảng, bến xe, cảng hàng không, sắp xếp các vị trí cung cấp thông tin để hành khách chủ động trong việc lựa chọn chuyến đi. Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động bán vé trước cho hành khách qua nhiều hình thức và ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé, đồng thời có biện pháp chống đầu cơ, buôn bán vé, gây mất trật tự xã hội.
Kiểm soát chặt, hạn chế tai nạn
Ngày 1/1/2025 cũng là thời điểm thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, với mức phạt đối với các vi phạm tăng rất cao so với trước, theo đó, người dân đã chấp hành nghiêm túc hơn các quy tắc giao thông.
Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã tổ chức lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tập trung cao nhất về lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm; tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kéo giảm tai nạn giao thông, phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, hạn chế thấp nhất số vụ ùn tắc giao thông, nhất là ùn tắc kéo dài.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, trong đợt cao điểm, các đội kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc sẽ huy động và bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung xử lý người điều khiển xe vi phạm quy định pháp luật. Đối với xe kinh doanh vận tải, xử lý thêm một số hành vi: điều khiển xe quá thời gian quy định; không gắn thiết bị giám sát hành trình, camera hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động; dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện…
Ở lĩnh vực đường thủy, cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, xử lý các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách, điểm tập kết hàng hóa, các điểm có hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, lưu trú. Đối với đường sắt, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, nhất là tại các đường ngang, lối đi tự mở; kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn chạy tàu của các nhân viên đường sắt, điều kiện lưu hành của các phương tiện giao thông đường sắt...
Theo nhiều chuyên gia, cùng với những nỗ lực kiểm soát chấp hành quy định của người tham gia giao thông, việc tăng cường kiểm tra hệ thống hạ tầng giao thông đô thị (mặt đường, đèn hiệu, biển báo...), an toàn kỹ thuật các công trình cầu, đường, cọc tiêu, biển báo hiệu trên các tuyến đường, quốc lộ cũng cần được quan tâm. Từ đó, thúc đẩy công tác duy tu sửa chữa, thi công các công trình hạ tầng giao thông, tránh trường hợp gây cản trở lưu thông, ùn tắc cục bộ.
Thực tế những ngày qua cho thấy, khi ý thức người tham gia giao thông đã được nâng cao đáng kể, thì tình trạng ùn tắc lại có xu hướng tăng và mở rộng, nhất là ở các đô thị lớn. Nguyên nhân là bởi sự bất hợp lý trong điều tiết giao thông cùng sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị do quy hoạch dồn nén, bất cập.