Ngày 7/1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã đề nghị, Đoàn giám sát đánh giá tổng thể nguyên nhân và nguồn ô nhiễm. Trong đó, tập trung rà soát nguồn phát thải công nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn quanh Hà Nội và việc đốt rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp.
Ô nhiễm đáng báo động
Với Hà Nội, ô nhiễm không khí gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây, trong đó, thông số ô nhiễm chính hiện nay là bụi mịn PM2.5. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, nguyên nhân ô nhiễm ở Hà Nội ngày càng tăng, có thể do việc kiểm soát nguồn thải từ sản xuất, xây dựng, giao thông, đốt rơm rác. Điều kiện thời tiết mùa đông không thuận lợi cho phát tán không khí nên khí thải ra ngoài môi trường bị lưu cữu ở tầng thấp khiến nồng độ ô nhiễm không khí cao.
Trong khi đó, toàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.350 làng nghề, hơn bảy triệu xe gắn máy và hơn 600 nghìn ô-tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu… Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá, hệ thống pháp luật hiện hành trong quản lý chất lượng không khí chưa đủ, chưa cụ thể với từng loại hình, từng ngành để có thể theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế-xã hội. Mặc dù đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, vấn đề ô nhiễm không khí dường như chỉ ở trung ương hoặc cùng lắm là các tỉnh nhắc đến, các quận, huyện nơi trực tiếp phát sinh thì không mấy quan tâm.
Về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, công tác kiểm soát chất lượng không khí còn gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như nguồn lực về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí. Trách nhiệm thực hiện quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư còn phân tán, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như Giao thông vận tải, Xây dựng, Công nghiệp, Nông nghiệp và ủy ban nhân dân các địa phương.
Giải pháp nào kéo giảm?
Ông Lê Hoài Nam cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng không khí tại Việt Nam, nhất là các đô thị lớn. Trong đó rà soát, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm vĩ mô liên quan quản lý chất lượng không khí, nhất là tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Cùng đó, thực hiện siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Phía địa phương, mới đây, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi). Vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Theo nghị quyết, từ năm 2025 đến 2030, thành phố sẽ thí điểm lập vùng LEZ ở một số khu vực của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; đồng thời khuyến khích các quận, huyện khác lập vùng này.
PGS, TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất: Chúng ta cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách, cần thành lập Ủy ban trực thuộc Chính phủ với sự tham gia của bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, xây dựng lộ trình ưu tiên thực hiện trong 3-5 năm tới với các mục tiêu và giải pháp ưu tiên ■
Theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir toàn cầu, vào 9 giờ 30 phút sáng 7/1, chỉ số chất lượng không khí AIQ ở Hà Nội là 278 (mầu tím- rất xấu) khiến Hà Nội đứng đầu các thành phố bị ô nhiễm không khí nhất trên thế giới. Xếp thứ hai là Dhaka (Bangladesh) với chỉ số AIQ là 217 và tiếp theo là Batam (Indonesia) với AIQ là 197. Đứng ở vị trí thứ tư là Thành phố Hồ Chí Minh với chỉ số AIQ ở mức 193.