Lại “nóng” buôn lậu và gian lận thương mại trên biển

Buôn lậu và gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên các vùng biển, khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp kiểm tra tàu cá TG 92267 TS. Ảnh: TÂN VŨ
Lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp kiểm tra tàu cá TG 92267 TS. Ảnh: TÂN VŨ

Gia tăng vụ việc phức tạp

Chỉ trong hai tháng qua, các lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc bằng tàu. Cụ thể, ngày 4/11/2024, lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển 4 đã kiểm tra tàu An Sinh 01, số hiệu HP-3195. Ở thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Mai Duy Chính (trú tại huyện An Biên, Kiên Giang), khai đang chở khoảng 700 nghìn lít dầu, nhưng không xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Tiếp đó, ngày 3/12, Đồn Biên phòng Bình Ba, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa phối hợp, tiến hành kiểm tra một tàu không biển số tại khu vực cách đảo Bình Ba khoảng 15 hải lý. Theo lời khai của thuyền trưởng Nguyễn Thanh, tàu đang vận chuyển khoảng 10 nghìn lít dầu DO nhưng cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số dầu này.

Mới đây, ngày 11/12, tại khu vực cách Côn Đảo khoảng 65 hải lý về phía tây nam, lực lượng chức năng thuộc Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra tàu cá TG 92267 TS có biểu hiện vận chuyển hàng hóa trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Đoàn Quốc Điểm, trú tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) khai đang chở khoảng 30 nghìn lít dầu DO không có xuất xứ…

Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, trong năm 2024, đơn vị trực tiếp bắt giữ, tiếp nhận xử lý 20/24 vụ phương tiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 12 tỷ đồng, bắt giữ 22 đối tượng buôn bán trái phép ma túy. Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) chia sẻ, hoạt động buôn lậu ma túy, vận chuyển trái phép xăng, dầu vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong đó, ở nhiều vùng biển gia tăng tình trạng ngư dân sử dụng ma túy dẫn đến hình thành các đường dây cung cấp ma túy cho thuyền viên trên tàu cá; một số khu vực biển được các đối tượng lựa chọn làm nơi giao nhận, tập kết ma túy, sau đó chuyển ra nước ngoài, như khu vực biển của Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Vùng biển Tây Nam là khu vực rộng lớn, có nhiều đảo và thường xuyên có lượng tàu đánh cá lên đến hàng chục nghìn chiếc hoạt động, nên các đối tượng lợi dụng trà trộn để buôn bán, vận chuyển hàng lậu. Chỉ huy Hải đoàn Biên phòng 28 (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, các phương tiện vi phạm được trang bị hiện đại, khi hoạt động trên biển luôn tìm mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng. Đáng chú ý, các đối tượng thường tắt thiết bị theo dõi, giám sát, khi phát hiện lực lượng chức năng thì tăng tốc chạy trốn. Nhiều đối tượng còn cải hoán tàu cá thành tàu chở dầu, bán cho ngư dân đang đánh bắt trên biển, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra.

Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ việc về vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 29.273 tỷ đồng. Tính riêng tháng 11/2024, các vụ vi phạm tại tuyến đường biển tăng cao, chiếm 55,1% tổng số vụ phát hiện, gấp nhiều lần so tháng 11/2023.

Tích cực thực hiện các biện pháp ngăn chặn

Để tăng cường kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại trên địa bàn cả nước, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phương án bố trí lực lượng, thiết bị, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới; cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa vào nội địa; tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; nắm chắc diễn biến tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh…

Để công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển đạt hiệu quả cao, cần sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia. Theo đó, cần các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, do đối tượng buôn lậu lợi dụng tuyến đường biển giáp ranh nhiều nước, cấu kết các đội tàu vận chuyển hàng hóa thuê để bán cho các đầu nậu ngay trên biển, từ đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng, đường dây tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, phối hợp hiệu quả với các lực lượng biên phòng, hải quan, công an để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu trên biển.