Nhiều cơ hội cho lao động trình độ chuyên môn cao
Trước áp lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh linh hoạt, năm 2025, các doanh nghiệp có xu hướng tập trung tuyển dụng các vị trí đặc thù, bao gồm cả tuyển mới và thay thế. Theo dự báo từ Công ty cổ phần TopCV Việt Nam, nhóm ngành Kinh doanh/Bán hàng tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng trong ba năm liên tiếp, đồng thời là nhóm ngành đầu tiên trong kế hoạch tối ưu hóa nhân sự khi cần thiết. Ngành IT - phần mềm, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao (55,03%). Mặc dù nhóm Kinh doanh/Bán hàng là ưu tiên tuyển dụng hàng đầu, 21,6% số đại diện doanh nghiệp nhận định đây cũng là nhóm dễ bị tối ưu hóa nhân sự khi cần thiết, do ảnh hưởng từ sự thay đổi của thị trường (52,34%). Một số nhóm khác như Marketing/Truyền thông/Quảng cáo (9%) và Dịch vụ chăm sóc khách hàng (7,5%) cũng nằm trong diện này do các vị trí có thể được tái cấu trúc phạm vi công việc theo hướng đa nhiệm.
Còn theo phân tích của không ít chuyên gia, các ngành đòi hỏi quy trình chặt chẽ như dược phẩm và hàng tiêu dùng nhanh đang có nhu cầu tuyển dụng chuyên gia pháp lý, nhất là trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập. Các vị trí kế toán và tài chính cũng sẽ được săn đón khi doanh nghiệp coi trọng việc tuân thủ quy định, minh bạch hóa và chuyển đổi số. Ngoài kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những ứng viên không chỉ có chuyên môn mà còn có kỹ năng mềm, khả năng tương tác và hợp tác hiệu quả.
Dự báo ở một số thị trường lao động lớn
Theo Kế hoạch số 379/KH-UBND, ngày 25/12/2024, về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025, thành phố Hà Nội đề ra chỉ tiêu, trong năm 2025 giải quyết việc làm mới cho 169 nghìn lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%. Phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động là nhóm giải pháp được thành phố chú trọng thực thi.
Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay, cần từ 310 nghìn-330 nghìn lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực thương mại-dịch vụ và công nghiệp-xây dựng, với tỷ lệ lần lượt chiếm 67,7% và 31,8%. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu sẽ cần nhiều lao động như, cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; hóa dược-cao su nhựa; chế biến lương thực-thực phẩm, chiếm 18,6%. Thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với 0,5%.
Là địa phương có nhiều khu công nghiệp ở phía nam, năm 2025, Bình Dương sẽ cần khoảng 80 nghìn lao động, tập trung ở khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến hết quý II/2025. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương sẽ phát triển thêm các ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số, giúp thị trường lao động khu vực phía nam liên kết chặt chẽ hơn. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, kiến thức, trình độ công nghệ và khả năng thích ứng với các vị trí việc làm mới, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường lao động địa phương.
Tiếp tục các giải pháp đồng bộ
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, thị trường lao động đã và đang phục hồi, tuy nhiên chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu lao động của một thị trường hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Đó cũng là lý do mà Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra kiến nghị, các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, ứng dụng công nghệ trong việc kết nối việc làm, phát triển nền tảng trực tuyến, kết nối lao động và doanh nghiệp.
Mục tiêu tăng trưởng cao của năm 2025 đang đòi hỏi những giải pháp kịp thời về phát triển thị trường lao động. Do đó, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, đề nghị Cục Việc làm cần xây dựng khung đánh giá rõ ràng về các xu hướng thị trường lao động, đề xuất các giải pháp kịp thời cho vấn đề giải quyết lao động thất nghiệp; chủ động dự báo cung cầu lao động để có thể điều chỉnh chính sách một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động.
Theo lãnh đạo Cục Việc làm, năm 2025 sẽ tập trung tham mưu và triển khai các chính sách quản lý nhà nước phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài. Cục sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan để hoàn thành xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và các văn bản pháp lý về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp ■