Trước diễn biến phức tạp của dịch hô hấp do nhiễm virus metapneumovirus ở người (hMPV) tại các quốc gia ở bắc bán cầu, Bộ Y tế đề nghị các sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
Với virus hMPV gây viêm phổi trên người đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hMPV là một trong những loại virus gây ra cảm lạnh thông thường (nhiễm trùng đường hô hấp trên), thường chỉ gây bệnh nhẹ, nhưng cũng có thể khiến một số người bị bệnh rất nặng.
Với dịch cúm đang xảy ra tại một số nước, nhất là đang lan rộng tại Hàn Quốc, trong bối cảnh nhiệt độ tại các tỉnh, thành phố phía nam nước ta giảm mạnh, và miền bắc lạnh sâu, sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập và phát triển. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, sự gia tăng hoạt động đi lại và du lịch trong kỳ nghỉ năm mới Ất Tỵ 2025 có thể là yếu tố làm gia tăng số trường hợp mắc cúm.
Theo các chuyên gia, các triệu chứng cúm tương tự nhiễm virus hô hấp khác nhưng mức độ nặng hơn, bao gồm: sốt, ho, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, đôi khi nôn hay tiêu chảy. Đặc điểm khiến cúm khác với các bệnh nhiễm siêu vi hô hấp khác là cúm thường có khởi phát đột ngột và đau cơ nhưng khi trong mùa cúm thì có thể nghi ngờ đó là cúm khi bạn bị ho và sốt. Ở những người tình trạng miễn dịch không hoàn hảo như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và có bệnh nền, cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm cơ tim, làm nặng thêm các bệnh mạn tính sẵn có.
Phòng ngừa cúm, hiện nay tiêm vaccine được coi là hiệu quả nhất. Cúm mùa có thể thay đổi từ năm này sang năm khác do khả năng đột biến của virus, nên việc tiêm phòng vaccine cúm hằng năm rất quan trọng để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng thông qua chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục đều đặn, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, tránh tiếp xúc với người bệnh, và đeo khẩu trang nơi đông người.