Ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng
Tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh thời gian qua hạn-mặn diễn ra gay gắt ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Trước tình hình đó, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng.
Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng màu công nghệ cao xã Lương Hòa A cho biết: Với mô hình “Trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao”, nông dân đã áp dụng đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, bón phân, qua nhiều vụ thấy giảm công lao động, cho năng suất cao.
Tổ hội cũng đăng ký trang web bán dưa lưới trên sàn thương mại điện tử khá hiệu quả. Đến nay, mô hình đã mở rộng tới 10.000 m2 với gần 20 hộ tham gia, thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng/năm/công (nhà màng), 80 triệu/đồng/năm (nhà lưới).
Từ mô hình này, Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục nhân rộng được hơn 40.000 m2 nhà màng và nhà lưới ở những địa phương khác trong tỉnh, với gần 800 mô hình ứng dụng công nghệ cao, thu hút gần 11.000 hội viên tham gia.
Tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới thông minh kết hợp bón phân được triển khai ở nhiều hợp tác xã có diện tích lớn, đã tiết kiệm được công lao động.
Theo ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới): Nhờ việc quản lý tốt quy trình sản xuất, nhà vườn có thể kiểm soát chính xác lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng, bảo đảm sản phẩm đạt chuẩn an toàn và chất lượng cao. “Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng có 35 thành viên áp dụng nhật ký điện tử trong sản xuất 200 ha; ứng dụng tưới nhỏ giọt trên diện tích 5 ha, giúp tiết kiệm nước trong sản xuất và dinh dưỡng cây trồng”, ông Hiền thông tin.
Cần vai trò tiên phong của địa phương
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì chuyển đổi số trong nông nghiệp đang gặp một số nút thắt như: Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hệ thống dữ liệu và thông tin bị phân tán; thiếu sự đồng bộ và liên kết giữa các cơ quan, tổ chức; thiếu kỹ năng số trong lao động nông nghiệp dẫn đến tâm lý ngại thay đổi. Song song đó, chi phí đầu tư chuyển đổi số lớn nhưng còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Ông Hiển cho rằng, nhìn từ kinh nghiệm các quốc gia đã chuyển đổi số nông nghiệp thành công, họ bắt đầu xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp từ rất sớm, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ nông nghiệp, phát triển nhanh thương mại điện tử nông thôn, phủ sóng internet, chấn hưng nông thôn rồi mới thúc đẩy kinh tế số trong các tập đoàn, doanh nghiệp nông nghiệp. Tương tự, nông nghiệp Việt Nam cần xây dựng tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số từ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển nông nghiệp thông minh; tích hợp chuỗi cung ứng; đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ cho lao động nông nghiệp. Trên cơ sở đó, ngành cần xây dựng các nền tảng trực tuyến cho việc mua bán sản phẩm nông nghiệp, tư vấn nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin; tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp số; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu và đầu tư tham gia phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Thái Nguyễn Hoài Thiên, Quản lý dự án phát triển nền tảng nông nghiệp số, Công ty RYNAN Technologies phân tích, chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số (DT) và công nghệ thông tin truyền thông (ICT) trong quản lý và điều hành chuỗi giá trị nông sản nhằm tối ưu hóa các hoạt động từ khâu vật tư đầu vào đến canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo ra giá trị mới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vì vậy, trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin ở đơn vị ấp-xã đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi số nông nghiệp từ cơ sở. Bên cạnh, cơ quan quản lý cũng cần ban hành quy chế vận hành rõ ràng về nền tảng nông nghiệp số. Để việc chuyển đổi số được đồng bộ và toàn diện, mỗi chuyên ngành, đơn vị cần hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành nghiệp vụ chuyên môn; chủ động cập nhật nâng cao trình độ bởi công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Chuyển đổi số không đơn thuần là áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, mà còn đòi hỏi thay đổi tư duy, cách thức quản lý và tổ chức sản xuất. Để những ứng dụng chuyển đổi số thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.
Hội viên Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng dán tem truy xuất nguồn gốc xoài xuất khẩu. |