Mạnh tay hơn trong quản lý hóa chất

Hóa chất có tầm quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống, song việc quản lý còn nhiều thiếu sót dẫn đến những mối nguy đe dọa sức khỏe con người. Bởi thế, rất cần chỉnh sửa quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, sao cho thống nhất, chặt chẽ, cùng với đó nâng cao ý thức của mỗi tổ chức, cá nhân trong sử dụng, kinh doanh hóa chất.
0:00 / 0:00
0:00
Cần nhiều biện pháp quản lý tốt hơn nguồn hóa chất. Ảnh: HỒNG TÍNH
Cần nhiều biện pháp quản lý tốt hơn nguồn hóa chất. Ảnh: HỒNG TÍNH

Khi chất độc bủa vây

Các loại hóa chất không chỉ được bày bán tại các cửa hàng, mà trên các trang mạng cũng được chào bán sôi động. Chỉ cần lên Google, tìm các từ khóa “thuốc diệt chuột thế hệ mới”, “thuốc cỏ cháy”, “xyanua”, “dung dịch acid H2SO4”, hàn the… sẽ dẫn đến các trang quảng cáo, kèm theo các nhãn báo giá. Trên các trang mạng cũng chào bán rất nhiều chất được dùng làm phụ gia thực phẩm, dễ dàng “đi” vào bữa ăn của người dân, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng dân số nước ta. Việc dễ tìm, dễ mua hóa chất, cộng với việc lạm dụng hóa chất, ý thức kém trong sử dụng là những nguyên nhân dẫn đến thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành phố liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn cũng như các vụ tự tử bằng hóa chất.

Tháng 9 và 10/2024 vừa qua, các cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở bán hóa chất vi phạm quy định. Trong đó, Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thành Huy về tội mua bán trái phép chất độc. Theo điều tra, từ đầu năm 2023 đến thời điểm bị bắt, Huy bán hơn 100 kg chất độc xyanua cho hàng trăm khách, có 16 trường hợp mua chất này để tự tử.

Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, nhiều vụ ngộ độc còn chưa thống kê được. Điều dễ nhận ra là mỗi loại thực phẩm bán ra thị trường đều có sử dụng phụ gia, có sản phẩm sử dụng đến 20 phụ gia. Trong khi đó chưa có quy định mỗi sản phẩm được sử dụng hàm lượng bao nhiêu chất phụ gia để bảo đảm an toàn. Vậy nên, “liều lượng” hóa chất trong thực phẩm hầu như phụ thuộc… người pha chế cũng như nhà sản xuất thực phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: Trong thực tế, chung quanh con người có rất nhiều loại hóa chất. Những năm qua có nhiều vụ trẻ em uống nhầm nước tẩy rửa, nước lau kính… dẫn đến bị ngộ độc, ảnh hưởng đường tiêu hóa, suy hô hấp. Ông Nguyên cũng chỉ ra nguy cơ khác: Trên thị trường bán thuốc diệt chuột có dạng giống viên kẹo đa sắc mầu, một số loại có dạng như siro, dễ gây nhầm lẫn đối với trẻ nhỏ. Vì thế, bố mẹ phải cảnh giác, bảo đảm an toàn cho con cái.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), hiện nay tại Việt Nam có khoảng 52 nghìn loại hóa chất đang lưu hành. Nhu cầu sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đang ngày càng tăng cao, nhưng công tác quản lý hóa chất rất phức tạp, đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao. Trong khi đó, qua rà soát, nhiều chuyên gia cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất giữa các bộ, ngành dẫn đến chuyện doanh nghiệp lách luật, đăng ký để đưa hóa chất nguy hiểm ra thị trường. Hiện nay, Bộ Y tế quản lý hóa chất sử dụng trong lĩnh vực bào chế dược phẩm cho người, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong trồng trọt chăn nuôi... Song có loại hóa chất có tính đa dụng, một loại được sử dụng cho nhiều ngành, nên quy định chức trách này làm khó công tác quản lý.

Ban soạn thảo cần bổ sung vào Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) các nội dung: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thương mại và thị trường; nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ; nhân lực khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội LÊ QUANG HUY

Siết chặt hơn bằng công cụ pháp luật

Luật Hóa chất (năm 2007), sau thời gian thực thi đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp thực tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hóa chất là rất cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất và khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Bộ Công thương đã xây dựng Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội. Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tăng các điều, khoản, bổ sung các quy định mới về phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và phân định trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý hóa chất. Đóng góp cho Dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, quy định yêu cầu bên bán phải lưu giữ được thông tin của người mua để có thể truy xuất được; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát hóa chất tại các địa điểm mua bán.

Theo nhiều chuyên gia, trong khi chờ Dự thảo Luật được thông qua, đi vào cuộc sống, phải kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động mua bán hóa chất. Bà Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đề xuất: Cần tăng cường kiểm soát truy xuất nguồn gốc của hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu để chặn đứng nguồn hóa chất độc hại trôi nổi trên thị trường.