Siết quản lý dạy thêm, học thêm

Mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, nhất là về trách nhiệm quản lý của các cá nhân, tổ chức liên quan. Vấn đề là, ngành giáo dục cũng đã nhiều lần siết như thế!
0:00 / 0:00
0:00
Quản lý hiệu quả dạy thêm, học thêm, giảm tải việc học cho học sinh đang là yêu cầu bức thiết của xã hội. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Quản lý hiệu quả dạy thêm, học thêm, giảm tải việc học cho học sinh đang là yêu cầu bức thiết của xã hội. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Thông tư số 29 lần này được ban hành thay cho Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT nhằm giải quyết rất nhiều bất cập phát sinh trong thực tiễn. Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, ngành giáo dục đã phải xử lý nhiều vấn đề liên quan dạy thêm, học thêm, kể cả có trường hợp buộc phải kỷ luật giáo viên và chế tài với cá nhân, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu đổi mới, xây dựng nền giáo dục hiện đại, giảm tải cho người học, nâng cao năng lực, phẩm chất học sinh - song lại phát sinh không ít bất cập, thậm chí vấn đề dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn diễn biến phức tạp.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư được xây dựng lần này với mục đích cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông mới và các quy định của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trước đây cũng đã có những quy định, chế tài nhằm khắc phục tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, nhưng vì sao vấn đề này vẫn “nóng”, gây nhiều bức xúc trong xã hội? Lý giải nguyên nhân, ThS Nguyễn Viết Hiền, vừa là chuyên gia tâm lý giáo dục đồng thời là bậc cha mẹ có con đang độ tuổi đến trường, cho rằng: Nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý chạy theo thành tích của một số trường, một số giáo viên, sự lo lắng “con em không bằng chúng bằng bạn” của không ít phụ huynh. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa, đó là các quy định về dịch vụ dạy thêm, học thêm chưa rõ ràng và trách nhiệm quản lý cũng chưa được thực thi đến nơi đến chốn...

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Thông tư mới quy định rõ: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống); giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Đáng chú ý, vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm, Thông tư quy định: Việc giám sát không chỉ có ngành giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành. Ở điểm này, Thông tư mới dành cả Chương III với 9 điều quy định trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã cho đến các sở, phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng, cơ sở dạy thêm,…

Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư mới là quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.

Nhấn mạnh điểm mới trong Thông tư này, thầy giáo Bì Ngũ Hoàng, một giáo viên ở Hưng Yên thẳng thắn chia sẻ: “Dạy thêm, học thêm đúng quy định là cần thiết, hơn nữa nó bổ trợ cho chương trình học chính khóa. Chúng tôi kỳ vọng những chính sách mới sẽ sớm được thực thi, giúp những giáo viên giỏi có điều kiện làm thêm chính đáng. Cấm là cấm dạy thêm, học thêm trái phép, mà trong Thông tư đã quy định rất cụ thể” ■

Pháp luật liên quan cũng như những quy định trong Thông tư mới khá rõ ràng, song điều quan trọng là khâu thực thi, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra như thế nào. Với lĩnh vực giáo dục, không chỉ bảo đảm sự nghiêm minh, mà còn cần đến sự sẻ chia, thấu cảm, đồng hành của người dạy, người học và của toàn xã hội.