Điểm đáng chú ý của Thông tư số 37 là việc sửa đổi cấu trúc danh mục thuốc, cụ thể bỏ phân hạng bệnh viện trong danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm. Theo đó, các cơ sở y tế sẽ được sử dụng toàn bộ danh mục thuốc phù hợp với chuyên môn, không phân biệt cấp hạng bệnh viện. Quy định này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển năng lực chuyên môn tại các đơn vị y tế cơ sở, đồng thời giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tạo sự công bằng trong tiếp cận thuốc của người dân.
Thuốc là yếu tố chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, Thông tư số 20 ban hành năm 2022, sau gần hai năm triển khai đã bộc lộ một số bất cập, trong đó danh mục thuốc bảo hiểm y tế chậm được cập nhật. Hiện nay danh mục thuốc bảo hiểm y tế chi trả gồm 1.037 hoạt chất. Song, quyền sử dụng các hoạt chất này lại có sự khác biệt rõ rệt giữa các hạng bệnh viện. Trong khi bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 được sử dụng toàn bộ, thì bệnh viện hạng 2 chỉ được sử dụng 991 hoạt chất, còn trạm y tế chỉ dừng lại sử dụng ở con số 356 hoạt chất.
Bất cập có thể thấy, như tại một bệnh viện chuyên khoa ung bướu, đang sử dụng nhiều loại thuốc mới, đắt tiền điều trị cho người bệnh, chẳng hạn như Spexib... nhưng các thuốc này lại đều chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Trong khi, một số loại thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán lại là những dược phẩm đã có từ hơn 10 năm trước. Điều này dẫn đến hệ quả: Vì không đủ điều kiện kinh tế, nhiều bệnh nhân đã không được điều trị, hoặc phải bỏ điều trị giữa chừng.
Theo các chuyên gia, danh mục thuốc bảo hiểm y tế cần thiết được cập nhật thường xuyên. Việc bổ sung thuốc mới kịp thời, đặc biệt là các thuốc có hiệu quả cao, sẽ giúp giảm tỷ lệ người dân phải tự chi trả khi điều trị. Bảo hiểm y tế cần phải phê duyệt các loại thuốc dựa trên hiệu quả của từng loại thuốc trong điều trị từng loại bệnh.
Tin rằng, việc ban hành danh mục thuốc mới lần này sẽ là bước tiến lớn trong việc cải thiện quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.