Có thể dễ thấy ngay trong những bài thơ về đề tài sản xuất và con người trong lao động - một đề tài thường khó viết nhưng ta vẫn thấy trái tim rung động của một con người cá thể: “Lũ về Hậu Giang cuồn cuộn/Chiếc ghe rẽ sóng chòng chành/Nghiêng anh về em ấm nóng/Lục bình trên sóng dập dềnh” (Mùa sau).
Cuộc sống đời thường trong lao động được miêu tả chân mộc nhưng làm người đọc đồng cảm, sẻ chia. Đây là bài viết về lời tâm sự của bác kéo lưới gắn cả cuộc đời với sông nước Hậu Giang: “Đây rượu chuối, màu tím mận/Dành cho người bị đau lưng/Và đây rượu đào hồng nhạt/Dành cho lớp tuổi hồi xuân” (Ly rượu trên sông).
Tất nhiên, trong đề tài về tình yêu cuộc sống tác giả tỏ ra không dễ dãi, mà chú ý gắn với và vượt lên những mặn chát của đời: “Những tưởng cá linh không về theo lũ muộn/ Trái tim em thấm mặn chua phèn/ Cơm dưới trăng thu có cá linh hồng đượm/ Em gắp mời anh, đôi mắt long lanh” (Nhớ cá linh). Trong tình yêu cuộc sống, có tình yêu của chính anh: “Em chăm cuốc đất cho đời vui tuổi thọ/ Anh trồng hoa cho đẹp phố, mát nhà/ Người người trồng cây để đời xanh ngút ngát/ Trời vang ngân bản nhạc tình ca” (Tình ca). Dự Lễ hội Mường Lò tổ chức vào mùa thu 2019 - một sự kiện văn hóa - chính trị đặc sắc của Mường Lò, cuốn hút hàng vạn đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Nguyễn Hồng Vinh dâng tràn cảm xúc khi nhớ về người đồng nghiệp đã dành thời trẻ trung góp sức làm đẹp những nương chè xanh mát và các thửa ruộng bậc thang nối nhau ở Mường Lò; tự trách mình đã không thực hiện được lời hứa sẽ một lần trở lại, kể từ cái đêm nắm tay em cùng hòa điệu xòe bên bếp lửa bập bùng. Anh vỡ òa niềm vui khi nhìn thấy em tay trong tay, mềm mại nhịp chân theo điệu nhạc xòe, xuất hiện rạng rỡ trong chương trình, thắp sáng tình anh và tình em dù trong xa cách không gian vời vợi: “Ngàn ánh mắt, ngàn vòng tay thân thiết/ Bên ruộng bậc thang trải màu xanh biếc/ Hy vọng ánh lên từ Lễ hội đêm này!”. Cái riêng hòa trong cái chung; cái chung tôn đẹp cái riêng - Nguyễn Hồng Vinh đã thể hiện sinh động phạm trù triết học riêng - chung qua những rung cảm từ “cái tôi” trữ tình sâu lắng…
Thơ Nguyễn Hồng Vinh thiên về thực tại, nhưng anh không quên quá khứ, mà gắn thực tại với quá khứ. Trong cơn lũ mặn lùa vào sông Thạch Hãn tới 30 cây số, anh nghĩ tới nỗi xót đau của bao hài cốt liệt sĩ dưới đáy sông và anh nghe thấy từ đáy sông, lời các anh vang vọng nhắn nhủ những người đang sống: “Hãy nối chí kiên trung cùng tình yêu mảnh đất/ Nhân mầm xanh trải rộng đất thiêng” (Lời từ sông Thạch Hãn).
Thơ ngợi ca người tốt, việc tốt của anh cũng không đơn giản nữa, mà đã đi sâu tâm trạng những số phận và cuộc hành trình vượt lên số phận. Chuyện tình ở Củ Chi là một thí dụ. Em là nữ sinh viên người bắc, sau giải phóng miền nam vào Củ Chi dạy học. Tình cờ gặp anh, yêu anh và kết duyên chồng vợ. Thật không may, anh bị nhiễm chất độc da cam, khuyên em nên ly hôn để em có nguồn hạnh phúc. Nhưng em khẳng định trong dòng lệ tuôn trào: “Cho dù đời còn giông bão/ Em không thể nào bội bạc/ Ơn sâu nghĩa nặng tình anh!”.
Hạnh phúc vẫn mỉm cười cũng là một bài thơ như vậy: “Cuộc tình nào cũng chứa bể dâu/ Thất vọng ê chề khiến trái tim vụn vỡ/ Em lang thang chân trời góc bể/ Nào ngờ đâu, nay gặp lại người xưa”. Có câu thơ khái quát phận người đau đớn trong những hình ảnh ẩn dụ ám ảnh, gợi xa xót, bâng khuâng: “Biển chiều nay bỗng sóng ầm ào/ Cánh buồm mong manh, ngả nghiêng như sắp lật/ Những con chim lạc đàn ngơ ngác/ Phận người chấm nhỏ giữa trùng dương”.
Có một bước tiến mới nữa của Nguyễn Hồng Vinh là, khi đề cập loại thơ phản biện. Thơ phản biện là loại thơ khó làm nhất vì dễ gây dị ứng với cảm hứng trữ tình quen thuộc của người đọc, nhưng thất tình của con người trong hỉ, nộ, ái, ố, dục, vậy “nộ” và “ố” chẳng lẽ không có chỗ đứng trong thơ trữ tình sao? Chỉ có điều là “nộ”, “ố” cũng phải thể hiện bằng hình tượng và ở độ mãnh liệt như Mai-a-cốp-xki thốt lên: “Yêu vĩ đại, căm thù vĩ đại, vĩ đại đau thương”. Mai-a-cốp-xki cũng từng viết những bài thơ phản biện được V.Lenin hoan nghênh, như bài “Những người loạn họp” và chỉ có Mai-a mới viết như thế này về những kẻ nịnh hót: “Hắn liếm ngực, liếm bụng và còn dưới nữa”. Còn Nguyễn Hồng Vinh thì nói theo cách riêng của mình. Tư duy miệng chén là bài phê phán những ai mang tư duy nói suông, “tư duy nhiệm kỳ”: “Bạn hữu sếp rỉ tai/ Anh hô hào đổi mới/ Sao cứ như đèn cù/ Khác chi kiến bò miệng chén/ Sếp cười thản nhiên đắc ý/ Chờ qua đại hội hãy hay!”. Nguyễn Hồng Vinh đã trực diện phê phán lối sống vị kỷ, thực dụng đang phát triển trong thời cơ chế thị trường với những ai “cái cần quên thì lại nhớ; cái cần nhớ thì lại quên” trong bài Nhớ và quên, cùng một số bài khác… Con người nghĩ suy và hành động trong thiên nhiên rộng lớn với nhiều mối quan hệ đan xen, được Nguyễn Hồng Vinh quan sát tinh tế và thể hiện nhẹ nhàng, nhưng có sức gợi, sức chạm vào trái tim, cả khi biểu dương hay phê phán.
Mong anh tiếp tục dòng thơ phản biện này với nhiều đề tài, nhiều cách nói phong phú hơn, sâu cay hơn như cuộc sống đa dạng, đa chiều, mà vẫn rất Nguyễn Hồng Vinh với lợi thế của nhà thơ, nhà chính trị giàu cảm xúc, đúc kết nhiều trải nghiệm cuộc đời, cả trong thời chiến và thời bình.
Với những chùm thơ mới in đậm cá tính và cá thể sáng tạo, thơ Nguyễn Hồng Vinh đã có một bước phát triển mới. Xin chúc mừng anh và hy vọng thơ anh ngày càng chín hơn trong những đổi mới đầy triển vọng đó!