Bước dịch chuyển chiến lược

Với những lợi thế như nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dân số trẻ và các cải cách kinh tế xuyên biên giới, châu Phi đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cường quốc. Đầu tư cho “lục địa đen” vì thế được xem như “lợi cả đôi đường” đối với phương Tây.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ người đồng cấp Angola Joao Lourenco. Ảnh: ABC NEWS
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ người đồng cấp Angola Joao Lourenco. Ảnh: ABC NEWS

Theo AP, trong chuyến thăm Angola ngày 4/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố số tiền viện trợ nhân đạo hơn 1 tỷ USD cho châu Phi. Trước đó một ngày, ông Biden, Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Angola, đã gặp người đồng cấp Joao Lourenco. Phát biểu ý kiến tại Thủ đô Luanda của Angola, ông Biden cho biết, Mỹ hoàn toàn ủng hộ và cam kết hỗ trợ tài chính cho châu Phi. Ông Biden nêu rõ: "Tôi công bố hơn 1 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo mới cho những người châu Phi phải rời bỏ nhà cửa do đợt hạn hán lịch sử".

Theo tuyên bố của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, khoản viện trợ này sẽ giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và các nhu cầu cấp thiết khác của người tị nạn, người di dời trong nước và các cộng đồng bị ảnh hưởng tại 31 quốc gia châu Phi. Động thái trên của Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh khu vực miền nam châu Phi hiện đang phải đối mặt đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận trên toàn khu vực.

Về phần mình, Tổng thống Angola, ông Joao Lourenco cho hay, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Biden đến khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi kể từ khi nhậm chức, báo hiệu một bước ngoặt trong mối quan hệ song phương với Angola. Ông Lourenco khẳng định, muốn tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với Mỹ.

Hiện, Mỹ đã đầu tư vào một dự án đường sắt lớn nhằm vận chuyển khoáng sản quan trọng từ các quốc gia không giáp biển đến cảng Lobito của Angola ở Đại Tây Dương để xuất khẩu. Ông Biden nhấn mạnh "tương lai sẽ đến với Angola và châu Phi".

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khẳng định, lại cam kết hỗ trợ các quốc gia châu Phi theo đuổi hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, cũng như tạo việc làm và tăng trưởng. Theo CNN, thông cáo của G7 đưa ra sau cuộc họp tại Italy ngày 26/11 có nội dung về quan hệ đối tác với các nước châu Phi, trong đó nhấn mạnh sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác công bằng và bền vững với châu Phi dựa trên các sáng kiến thực tiễn, phù hợp Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU) và các kế hoạch chủ đề tích hợp của lục địa châu Phi, nhằm cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu.

Về thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và củng cố chuỗi giá trị giữa G7 và các quốc gia châu Phi, G7 hoan nghênh tiến triển mà Italy - nước Chủ tịch G7 năm 2024 - đã đạt được khi hợp tác với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) trong việc xây dựng “Trung tâm trí tuệ nhân tạo cho phát triển bền vững”, tập trung vào các lĩnh vực chính bao gồm nông nghiệp, y tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, nước và năng lượng.

Ngoài ra, G7 thông báo sẽ tiếp tục củng cố Quan hệ đối tác G7 về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) tại lục địa châu Phi, cũng như các sáng kiến như "Cửa ngõ toàn cầu" của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng bền vững, trung hòa khí hậu, toàn diện và khả thi về mặt kinh tế, được hỗ trợ dựa trên các tiêu chuẩn cao, lựa chọn dự án minh bạch, mua sắm và tài chính. Các nước G7 nhấn mạnh hướng tới các dự án tích hợp nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương và khu vực, thương mại và an ninh lương thực, chẳng hạn như Hành lang Lobito ở khu vực miền nam và Trung Phi.

Thông cáo của G7 cam kết tăng cường hợp tác với châu Phi thông qua việc triển khai Quan hệ đối tác G7 về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu và các sáng kiến khác như "Cửa ngõ toàn cầu" của EU. Nhờ đó, châu Phi sẽ được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững, trung hòa khí hậu và kết nối các khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh lương thực. G7 cũng công bố việc khởi động sáng kiến "Năng lượng cho tăng trưởng tại châu Phi" nhằm giúp các nước trong khu vực vượt qua các rào cản đối với đầu tư vào năng lượng sạch trên khắp lục địa, đồng thời cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cho châu Phi.

Trong bối cảnh Nga, Trung Quốc và một số quốc gia Arab đang ngày càng quan tâm tới những cơ hội hợp tác với châu Phi, Mỹ và các nước thuộc nhóm G7 khó có thể đứng ngoài cuộc. Những khoản đầu tư khổng lồ trị giá hàng chục tỷ USD đổ vào “lục địa đen” trong những năm gần đây đã cho thấy bước dịch chuyển chiến lược của phương Tây, nhằm tránh bỏ lỡ những cơ hội khai thác tiềm năng của châu lục này.