Theo CNN, phát biểu ý kiến trên truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Nội vụ Syria Mohammed al-Rahmoun khẳng định, vành đai an ninh và quân sự “rất vững chắc” đang được thiết lập, đồng thời khẳng định “không thể chọc thủng phòng tuyến này”. Theo quân đội Syria, ngoài khu vực chung quanh Damascus, Chính phủ Syria còn tăng cường các vị trí ở phía nam, đang bắt đầu các hoạt động chống lại phiến quân ở các khu vực Hama, Homs và Daraa.
Trước đó, Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã bác tin quân đội đã rút khỏi các khu vực ở Thủ đô Damascus. Văn phòng Tổng thống cũng phủ nhận thông tin về việc ông al-Assad đã rời Damascus, khẳng định ông đang "tiếp tục công việc và các nhiệm vụ quốc gia".
AP dẫn nguồn tin của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho hay, các lực lượng quân đội và an ninh của Syria đã rút khỏi sân bay quốc tế Damascus trước sức tấn công mạnh của phiến quân. Một nguồn tin thân cận với Phong trào Hezbollah ở Lebanon cho hay, lực lượng này cũng đang rút quân khỏi khu vực ngoại ô Damascus và thành phố Homs, hiện đã bị phiến quân chiếm giữ.
Trong khi đó, thủ lĩnh liên minh các nhóm vũ trang đối lập Hassan Abdel Ghani Beirut tuyên bố, các lực lượng của liên minh này “đã bắt đầu giai đoạn cuối cùng của việc bao vây thủ đô”. Trong tuyên bố đăng trên Telegram, Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo đứng đầu cuộc tấn công, đã ra lệnh cho các chiến binh chuẩn bị chiếm Damascus, 10 ngày sau khi tiến hành cuộc tấn công mới. Theo SOHR, phiến quân đã tiến vào Thủ đô Damascus rạng sáng 8/12.
Trong bối cảnh xung đột leo thang ở Syria, Mỹ tuyên bố các ưu tiên hiện nay của nước này ở Syria là bảo đảm cuộc xung đột ở quốc gia Tây Á không làm cho tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy trở lại hoặc dẫn tới “thảm họa nhân đạo”. Trong tuyên bố, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan bày tỏ lo ngại về IS. Do đó, Washington sẽ tự tiến hành các bước trực tiếp và hợp tác với các lực lượng dân chủ Syria, người Kurd, nhằm bảo đảm IS không lợi dụng bất ổn an ninh để trỗi dậy. Theo ông Sullivan, chính quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đang nỗ lực giữ cho các đồng minh Israel, Jordan, Iraq và những nước khác trong khu vực tránh khỏi tác động từ cuộc xung đột ở Syria.
Trước những diễn biến đáng lo ngại ở Syria, Bộ trưởng Ngoại giao 5 quốc gia Arab, gồm Ai Cập, Qatar, Jordan, Iraq và Saudi Arabia và những người đồng cấp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ngày 7/12 kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, qua đó giúp chấm dứt các hoạt động quân sự và bảo vệ dân thường ở quốc gia Trung Đông này.
Sau cuộc họp về tình hình Syria diễn ra tại Doha (Qatar) ngày 7/12, Bộ trưởng Ngoại giao của 8 quốc gia nói trên ra tuyên bố nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria là diễn biến nguy hiểm đối với sự an toàn của nước này cũng như an ninh khu vực và quốc tế. Các nỗ lực quốc tế cần phải được tăng cường để cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Syria và bảo đảm khả năng tiếp cận bền vững và không bị cản trở". Tuyên bố kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự ở Syria để khởi động một tiến trình chính trị toàn diện dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ).
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước Ai Cập, Qatar, Jordan, Iraq, Saudi Arabia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran diễn ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi thông báo Tehran, Moscow và Ankara đã nhất trí về việc thúc đẩy đối thoại chính trị giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập hợp pháp ở nước này.
Kể từ khi phát động chiến dịch tấn công vào tuần trước, nhóm phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) và đồng minh đã lần lượt kiểm soát Aleppo - thành phố lớn thứ hai đất nước - và Hama - đô thị lớn thứ 4 của nước này. Diễn biến ở Syria khiến các nước Arab bất ngờ và làm dấy lên lo ngại về làn sóng bất ổn mới trong khu vực.