Tuy nhiên, bởi vì vật chất luôn quyết định ý thức, nên bóng đá sẽ không thể thay thế được... bánh mỳ. Những cuộc biểu tình liên miên, diễn ra từ Cúp các liên đoàn châu lục (Confederations Cup) năm ngoái cho tới tận bây giờ, khi vòng chung kết (VCK) World Cup 2014 cận kề, chứng tỏ điều đó.
Ở tất cả những thành phố có các sân vận động đăng cai World Cup, người dân đều đã từng "xuống đường" với những tấm biểu ngữ mang nội dung chất vấn chính phủ, rằng: Tại sao lại đổ một đống tiền để xây dựng các công trình phục vụ cho World Cup, trong khi hệ thống giao thông công cộng thì xuống cấp, bệnh viện thiếu giường, công tác cứu trợ xã hội yếu kém và trẻ con thì không được đi học?
Người Bra-xin có mê bóng đá đến mấy thì thứ "tôn giáo" đó chẳng qua vẫn chỉ là một trò chơi phù phiếm. Những bàn thắng của Nây-ma (Neymar), hay thậm chí kể cả là chức vô địch thế giới, cũng sẽ không mang bao nhiêu ý nghĩa, khi dạ dày họ quặn thắt.
Dĩ nhiên, các chính trị gia luôn trấn an rằng, World Cup luôn là cơ hội tăng trưởng kinh tế, bởi nó sẽ tạo ra công ăn việc làm, lôi kéo khách du lịch đến với đất nước và ngành dịch vụ sẽ tha hồ "hốt bạc". Nhưng sự thực có phải như vậy?
Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh hồi tháng 4-2014 từng dẫn báo cáo của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng, Bra-xin đã chi một số tiền quá lớn cho World Cup, và coi đó như một khoản đầu tư, song số tiền mà họ thu lại được sẽ chẳng đáng là bao. Cụ thể, theo tính toán của Moody's, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ chỉ tạo thêm 0,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Braxin trong vòng 10 năm tới.
Chi tiêu hạ tầng dự kiến chỉ chiếm 0,7% tổng đầu tư của nước này trong thời gian từ 2010 đến 2014.
Năm ngoái, Bộ trưởng Thể thao Bra-xin An-đô Rê-be-lô (Aldo Rebelo) từng đưa ra một danh sách những lợi ích dự kiến có được từ việc tổ chức World Cup 2014, bao gồm cả khoản đầu tư trị giá 28 tỷ real (12 tỷ USD) vào các lĩnh vực giao thông đô thị, cảng, sân bay, sân vận động và hạ tầng du lịch. Nhưng thực tế, ngoài các sân vận động thì các cơ sở hạ tầng còn lại đều nằm trong kế hoạch tổng thể trước đó của chính phủ.
Trong khi đó, nỗi bất bình của người dân tăng lên mỗi ngày, khi tình trạng thất thoát trong việc xây dựng các sân vận động World Cup diễn ra khắp nơi, thậm chí khiến Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) thật sự "nổi cáu". Tiến độ xây dựng thì quá chậm. Đến gần ngày khai mạc, vẫn thấy cảnh "ngổn ngang gạch đá".
Đến lúc ấy, dư luận được trấn an rằng, một kỳ World Cup thành công có thể nâng cao vị thế của quốc gia Nam Mỹ này trên trường quốc tế. Nghĩa là World Cup được coi như một nhiệm vụ chính trị tối quan trọng. Song, dù có dịu đi, tình trạng bất ổn xã hội vẫn cứ được phơi bày, theo cách này hay cách khác.
Và cuối cùng, cũng đã tới thời khắc đích thực để bắt đầu cuộc chơi. Ít nhất, trong một tháng tới, người dân Bra-xin cũng đã có thể tạm quên đi những khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Nhưng rồi, sau đó, họ vẫn sẽ lại phải nghĩ về...bánh mỳ!