Biển ơi, nỗi nhớ biết chia hai

Có lần, tôi từng theo các chú bác hàng xóm ra khơi, hành trang mang theo là vài bộ quần áo cũ, sờn vai đứt cúc, mươi bịch mì gói Colusa, vài bịch cháo, chai dầu gió Nhị thiên đường, mấy liều thuốc cộng sẵn chữa bách bệnh từ nhức đầu, cảm lạnh, sốt ho đến khó tiêu, chóng mặt…
0:00 / 0:00
0:00

Và dụng cụ hành nghề riêng biệt của mỗi ngư dân khi bước chân lên ghe: Cần câu mực.

Mỗi cần câu mực đều mang dáng dấp, tư thế của riêng từng người. Cần câu được làm bằng cây tre tầm vông vừa tay cầm, một cuộn nhợ dài khoảng 50 sải tay, ống quạng tròn dùng để quấn dây nhợ, một cái đầu bò bằng cao-su be bé treo ở đầu cần câu để luồn dây qua và một con tôm gỗ được sơn nhiều mầu sắc sặc sỡ với đôi mắt phản quang. Khi đêm xuống, sau khi ghe đến “vùng được chọn”, chúng tôi cùng nhau thả lưới, những mảnh lưới to được chuyền tay qua từng người đưa dần xuống mặt biển, tài công (người lái ghe) giảm tốc độ, cho ghe chạy thật chậm, xoay vòng cho đến khi những mảnh lưới đã chìm hết xuống mặt nước thì cho thả neo và chờ.

Để dẫn dụ cá mực đến, chúng tôi bắt đầu thắp những ngọn đèn măng xông được cố định sẵn trên các phao, thả xuống nước, sáng cả một vùng mà đã có lưới bên dưới. Giữa biển trời mênh mông, ngồi bên thành ghe, gió bề nào cũng tạt, đôi lúc có con sóng mồ côi vỗ mạnh vào thành, làm chao đảo chân người, nước bắn lên ướt đẫm.

Có bác nhớ vợ con, lấy điếu thuốc ra đốt, phần để chống cái lạnh, phần để giấu nỗi nhớ chập chờn theo sóng. Bộ đàm trong cabin lúc nào cũng bật lớn, tài công phải túc trực ở đó, nghe tin vùng nào có cá mực nhiều và cả bồi hồi chờ tin báo bão…

Chúng tôi cũng bắt đầu câu mực, một tay cầm cần câu, tay kia cầm ống quạng, nghiêng người ra phía sau lấy đà rồi tung sợi dây ra thật xa, những vòng nhợ rè rẹt phăng ra mang theo con tôm gỗ đánh ùm xuống nước. Với đôi mắt phản quang và mầu sắc sặc sỡ, tôm gỗ hắt những ánh đèn măng-xông lô nhô trên mặt biển bắt đầu phát sáng. Những con mực đói ăn, ham mồi từ đó dính câu.

Biển chưa bao giờ phẳng lặng, đêm trên biển lời người nói với nhau cũng mặn, áo chúng tôi ẩm ướt, chắc vì thế nên nỗi nhớ bờ của ngư dân đời nào cũng khát…

Có cụ già đã lênh đênh trên những con ghe đầy trăng ấy từ thời niên thiếu, đến nay, 40 năm có lẻ, mắt ông sâu hoăm hoắm, tay gồ ghề và giọng nói khản đục, trầm buồn như lời sóng. Có lần, tôi bất giác hỏi trong con gió xôn xao:

- Sau này không đi biển nữa thì bác sẽ làm gì?

- Bác… bác không biết nữa, nhưng ngày đó chắc sẽ không xảy ra, bác sẽ nhớ biển lắm. Bây giờ lên bờ, bỏ biển chắc bác sẽ không chịu nổi - Giọng ông run run.

Đằng xa kia, nơi ngọn hải đăng là bờ, là mái ấm, là gia đình… nhưng ngay giữa mênh mông này có lúc biển là yêu thương. Có lẽ, vì thế mà phận ngư dân muôn đời bám biển, vì nỗi nhớ biết chia hai. Biển ơi!