Doanh nghiệp taxi chật vật “hậu Covid”

Dịch Covid-19 kéo dài và giá xăng, dầu liên tục leo thang được ví như “thảm họa kép” với ngành vận tải hành khách. Nhiều doanh nghiệp taxi đã buộc phải rời bỏ thị trường, số còn lại hoạt động chật vật, cầm chừng... mong chờ những chính sách hỗ trợ căn cơ từ Chính phủ.

Các doanh nghiệp taxi đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh và giá xăng dầu. Ảnh: N.ANH
Các doanh nghiệp taxi đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh và giá xăng dầu. Ảnh: N.ANH

Hàng loạt xe rời thị trường

Nhiều năm lái xe taxi ở Hà Nội nhưng đến khi mở cửa trở lại, anh Vũ Văn Minh (quê Thái Bình) lại không thể trụ tiếp được với nghề. Nghỉ việc về quê, anh Minh chia sẻ: Dịch bệnh kéo dài, đời sống khó khăn khiến nhu cầu đi lại của hành khách giảm xuống. Trước đây mỗi ngày chạy được hơn 1 triệu đồng thì giờ chỉ còn vài trăm nghìn đồng, không đủ để trả chi phí xăng dầu. Đường cùng bất đắc dĩ tôi đành bán xe trả nợ rồi về quê xin vào khu công nghiệp làm việc, may ra còn có tiền nuôi gia đình. 

Nhiều trường hợp như anh Minh khiến các doanh nghiệp taxi đang lâm vào cảnh thiếu hụt lao động chưa từng có. Ông Đặng Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Phú Đông - đơn vị sở hữu taxi Thành Lợi cho biết, phần lớn lái xe taxi đều ở các tỉnh, phải đi thuê nhà mà thu nhập sụt giảm kéo dài nên khó lòng trụ lại với nghề ở Thủ đô. Trước đây doanh nghiệp chúng tôi có gần 600 lái xe thì nay chỉ còn khoảng 200 người. Để cầm cự, không còn cách nào khác phải thanh lý xe để trả nợ ngân hàng.

Giám đốc Công ty Quản lý G7 taxi Nguyễn Anh Quân cũng cho biết, so với giai đoạn đỉnh cao, lượng xe và lái xe của đơn vị đã giảm gần 30%. Dịch Covid-19 khiến hoạt động của doanh nghiệp đình trệ thì bước sang giai đoạn “hậu Covid” còn khó khăn và điêu đứng hơn nhiều. Người lao động bỏ việc, chi phí xăng dầu tăng trong khi giá cước lại không thể tăng vì giữ khách khiến doanh nghiệp vận tải lâm vào cảnh khó khăn chưa từng có.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng chia sẻ, trước đây Hiệp hội taxi Hà Nội có 111 doanh nghiệp thì đến nay chỉ còn hơn 60 doanh nghiệp. Riêng số lượng xe taxi cũng giảm gần một nửa từ 17.260 xe xuống còn khoảng 9.000 xe. 

“Doanh thu thấp, doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí để bù đắp cho người lao động nhưng không thể bù đắp được xe ngừng không hoạt động vì gốc, lãi vẫn phải trả ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đã lâm vào cảnh đường cùng, buộc phải bán xe trả nợ. Tại Hà Nội, có doanh nghiệp thậm chí đã phải bán 3.000 xe taxi, thu gọn quy mô hoạt động tới 90%”, ông Hùng cho biết.

Cần chính sách căn cơ

Mặc dù Chính phủ đã ban hành một số gói hỗ trợ nhưng ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc Công ty Quản lý G7 taxi cho hay, phục hồi một doanh nghiệp, một ngành nghề không thể là câu chuyện một vài tháng mà phải tính bằng nhiều năm. Sự hỗ trợ này cần đi thẳng vào những chính sách căn cơ nhất về thuế, phí, hỗ trợ tài chính từ ngân hàng và hỗ trợ cho người lao động. Đặc biệt là với lĩnh vực vận tải hành khách, đã chịu các tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và giá xăng dầu liên tục leo thang thời gian gần đây, chúng tôi rất mong chờ sự hỗ trợ để phục hồi. 

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, hiện tại, nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng của người dân vẫn thấp, tỷ lệ xe có khách chỉ khoảng 40% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải cho xe hoạt động trở lại để giữ thị trường. Tuy vậy, việc gắng gượng không thể kéo dài khi giá xăng, dầu tăng cao, trong khi doanh thu của doanh nghiệp vận tải chỉ đạt khoảng 15-20% thời điểm trước dịch. Để hạn chế số lượng doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, kéo theo vấn đề lái xe nghỉ việc, Nhà nước cần xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ.

Dịch bệnh kéo dài hai năm thì chí ít doanh nghiệp cũng phải mất hai năm để phục hồi. Ông Hùng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm hai năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ cấu dòng tiền. Thời gian cơ cấu và hình thức trả nợ do hai bên thỏa thuận. Cùng đó, cần bỏ điều kiện là các ngân hàng khi cơ cấu nợ cho doanh nghiệp phải trích lập quỹ dự phòng. Quy định này đang làm khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp bởi nếu làm đúng, các ngân hàng hiện nay chỉ có cách thu hồi xe phát mại với giá rẻ nhưng trong bối cảnh hiện nay bán được cho ai mới là vấn đề?

Cùng đó, ông Hùng cũng kiến nghị tiếp tục gia hạn chậm nộp thuế; Xem xét tạm dừng thu phí xăng dầu vào Quỹ Bảo vệ môi trường để góp phần ổn định lại chỉ giá cước vận tải trên thị trường; Tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ; Xem xét và cân nhắc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023.

“Khó khăn hiện tại là do dịch bệnh chứ không phải do doanh nghiệp quản lý yếu kém. Vận tải hàng không đã có riêng gói hỗ trợ, trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng đường bộ cũng đều đang kiệt quệ vì dịch bệnh, những chính sách hỗ trợ kịp thời trong lúc này là rất cần thiết” ông Hùng cho biết.