Dự án mở rộng cầu vượt Mai Dịch:

Thông xe sau thời gian dài

Sau hơn 1 tháng hoàn thành các hạng mục xây dựng, hai đơn nguyên cầu đô thị đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 6/5 với kỳ vọng hóa giải điểm nóng giao thông tại khu vực phía tây Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu vượt Mai Dịch rào chắn chờ thủ tục tiếp nhận.
Cầu vượt Mai Dịch rào chắn chờ thủ tục tiếp nhận.

Điểm nóng giao thông

Hạng mục xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông cầu Mai Dịch thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3, TP Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào dự án tại Quyết định số 07/QĐ-TTg và đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao Ban quản lý dự án Thăng Long quản lý tổ chức khởi công từ ngày 14/2/2023. Dự án được triển khai trên chiều dài khoảng 700 m, điểm đầu nằm trên đường Phạm Văn Đồng tại Km19+000; điểm cuối tại Km19+700 nằm trên đường Phạm Hùng (theo lý trình đường vành đai 3).

Mỗi bên cầu vượt Mai Dịch được xây dựng một đơn nguyên cầu đô thị rộng 7,75 m gồm một làn xe cơ giới (3,5 m) và một làn xe hỗn hợp (3 m), còn lại là dải an toàn và bó vỉa. Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết: Dự án đã hoàn thành vào ngày 31/3 theo đúng tiến độ. Các thủ tục trước khi đưa hạng mục công trình vào khai thác sử dụng gồm thẩm tra an toàn giao thông, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, phối hợp Sở GTVT để hoàn thiện phương án tổ chức giao thông cũng đã hoàn thành.

Sau hơn một tháng hoàn thành, UBND thành phố Hà Nội mới triển khai các thủ tục tiếp nhận dự án. Sự chậm trễ trên đã khiến điểm nóng giao thông tại nút giao Mai Dịch càng trở nên phức tạp. Theo ghi nhận của phóng viên Thời Nay, vào các khung giờ cao điểm đầu giờ sáng, cuối giờ chiều, tại nút giao Mai Dịch, lượng phương tiện qua lại dày đặc, chen chúc dẫn đến ùn tắc giao thông. Tại khu vực hai đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất nhiều xe ôm chờ khách, khiến giao thông càng thêm lộn xộn.

Thường xuyên di chuyển qua nút giao Mai Dịch, anh Trần Văn Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Chỉ cần xe khách đi chầm chậm tới là ngay lập tức có xe ôm đeo bám. Đón trả khách ngay giữa đường phố đông đúc là rất nguy hiểm. Hai cầu vượt đang bị rào chắn, phương tiện qua đây phải chuyển làn, rất dễ xảy ra va chạm và tai nạn giao thông.

Trong khi đó, hai cây cầu vượt dù đã hoàn thành lại chắn biển bỏ không khiến nhiều người dân đi qua đây không khỏi bức xúc. Anh Nguyễn Văn Hùng cũng ở trên địa bàn quận Cầu Giấy băn khoăn: Giờ cao điểm, đường đông, phải nhích từng chút một để đi qua nút thắt cổ chai nên nhiều lúc cũng mệt mỏi, mất tập trung. Không hiểu vì lý do gì mà hai cây cầu vượt thép tại nút giao Mai Dịch đã hoàn thành xong rồi vẫn không thông xe.

Chậm trễ thủ tục hành chính

Sau nửa tháng hoàn thành xây dựng, ngày 16/4/2024, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Duy Lâm đã ký Văn bản số 4052/BGTVT-KCHT đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm tiếp quản, đưa vào khai thác sử dụng công trình. Bộ đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận quản lý hạng mục nút giao Mai Dịch, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức triển khai ngay công tác tiếp nhận quản lý các hạng mục công trình theo quy định; sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng bảo đảm an toàn và đáp ứng nhu cầu đi lại cấp bách của người dân trong khu vực.

Hơn một tháng chờ đợi UBND Thành phố Hà Nội hoàn thành các thủ tục tiếp nhận, ngày 6/5 các phương tiện có thể chính thức lưu thông qua hai đơn nguyên cầu vượt Mai Dịch. Theo thông báo của Sở GTVT Hà Nội, cầu Mai Dịch cũ được tách thành trục đường cao tốc, kết nối theo hai chiều của đường vành đai 3 trên cao. Đơn nguyên cầu mới phía Hồ Tùng Mậu phục vụ phương tiện xe ô-tô và xe máy lưu thông vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng. Đơn nguyên cầu mới phía Xuân Thủy phục vụ phương tiện xe ô-tô và xe máy lưu thông vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng. Nút giao dưới cầu Mai Dịch được tổ chức giao thông theo hình thức đảo xuyến trung tâm kết hợp đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo. Mục đích của việc này là tách biệt giữa các dòng xe đi ở đường trên cao với tốc độ cao tốc ra khỏi các làn xe chạy ở đường đô thị giúp giảm xung đột, va chạm, nhằm hạn chế tai nạn giao thông, giải quyết ùn tắc.

Dù chậm trễ nhưng hy vọng sau khi đưa vào sử dụng, dự án sẽ góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía tây Hà Nội, bảo đảm thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía bắc và vùng lân cận.

Về phương án khai thác và tổ chức giao thông, dự kiến xe đô thị (ô-tô, xe máy đi trong phạm vi thành phố Hà Nội) di chuyển theo cầu vượt thép; xe đi đường trên cao vành đai 3 sẽ đi theo cầu vượt Mai Dịch hiện hữu. Mục đích của việc này là tách biệt giữa các dòng xe đi ở đường trên cao với tốc độ cao tốc ra khỏi các làn xe chạy ở đường đô thị giúp giảm xung đột, va chạm, nhằm hạn chế tai nạn giao thông, giải quyết ùn tắc.