Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Đào Bích Ngọc (Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội)

Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, xuất hiện nhiều hội nhóm, dịch vụ “đọc trộm tin nhắn”. Theo các đối tượng làm dịch vụ, sau khi người có nhu cầu cung cấp địa chỉ trang cá nhân hoặc số điện thoại của người cần theo dõi, các “chuyên gia” sẽ kiểm tra mức độ bảo mật để dựa vào đó thông báo giá dịch vụ cần chi trả.

Những ngày qua, do nghi ngờ bạn đời có mối quan hệ “ngoài luồng”, chị ruột tôi đã tìm đến dịch vụ tương tự qua một nhóm kín trên mạng xã hội. Ngay từ khi bắt đầu liên lạc, các đối tượng yêu cầu chị tôi phải chuyển qua sử dụng nền tảng mạng xã hội Telegram hoặc Zalo thì mới đồng ý tiếp tục “làm việc”. Sau khi tiếp nhận một số thông tin như trên, các đối tượng nhanh chóng báo giá dịch vụ 2 triệu đồng. Do chưa hoàn toàn tin tưởng, cho nên chị tôi chỉ đồng ý chuyển khoản 500 nghìn đồng coi như “tiền cọc”.

Khoảng nửa tiếng sau, “chuyên gia” gửi cho chị tôi một đoạn clip quay lại những dòng tin nhắn với tên, ảnh đại diện chủ tài khoản giống hệt của chồng chị. Đọc được một số thông tin “không vui”, chị tôi lập tức chuyển khoản toàn bộ số tiền dịch vụ còn thiếu. Tuy nhiên, vài phút sau, đối tượng tiếp tục thông báo việc chủ tài khoản phát hiện việc xâm nhập và đã đổi mật khẩu với cường độ an ninh cao hơn. Với lý do này, đối tượng “vòi” thêm chị tôi 2 triệu đồng để xử lý, kèm theo quảng cáo “cam kết bảo hành ít nhất một năm, bất kể chủ tài khoản đổi mật khẩu bao nhiêu lần”.

Trong lúc không tỉnh táo, chị tôi đã làm theo. Gần như ngay lập tức, chị bị đối tượng chặn mọi phương thức liên lạc. Đến lúc này, chị tôi mới “ngã ngửa” với mánh khóe thực chất rất đơn giản của kẻ gian, khi đánh trúng tâm lý bất an của “khách hàng”. Hóa ra, chiêu thức lừa của các đối tượng “đọc trộm tin nhắn” này là bằng cách tải ảnh đại diện của người khác, tạo tài khoản giả mạo rồi “chế” ra một đoạn chat mùi mẫn để đánh lừa “con mồi”.